Ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà về Thông tư liên tịch 44 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

0
405

Ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà về Thông tư liên tịch 44 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

Nhận lời mời của Ban biên tập kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ công ty luật SBLAW đã có phần trao đổi về quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu theo Thông Tư liên tịch số 44.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

BTV: Thưa ông, Thông tư 44 quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Ông đánh giá như thế nào về thông tư này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Theo cơ quan chức năng, quản lý chất lượng thép là vấn đề nóng lâu nay, nhất là gần đây khi cung cầu thị trường thép trong nước mất cân đối nghiêm trọng, các DN sản xuất thép trong nước phải đối mặt với thép ngoại nhập, đặc biệt là thép nhập lậu từ Trung Quốc có chứa nguyên tố Bo ngày càng lớn. Thị trường thép hiện đang phức tạp do tình trạng gian lận thương mại về tiêu chuẩn, chủng loại thép ngày càng tinh vi và phổ biến.

Để ngăn chặn tình trạng trên và làm lành mạnh thị trường thép, Thông tư số 44 là cơ sở để quản lý chặt chất lượng đối với nhà sản xuất và NK đồng thời đưa thị trường thép phát triển đúng hướng.

Theo quy định của Thông tư, các loại thép nhập khẩu phải lấy mẫu để kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng mới cho phép nhập khẩu; đối với nhà sản xuất thép trong nước cũng áp dụng theo hệ thống quản lý chất lượng của thông tư này.

BTV:  Thưa ông, hiện nay, nhiều DN nhập khẩu thép chính phẩm (thép không gỉ) cho rằng, trong thông tư có nhiều điểm chưa hợp lý gây khó khăn cho DN nhập khẩu thép chính phẩm. Xin ông phân tích những điểm còn chưa hợp lý trong thông tư? (Thông tư không có hướng dẫn cụ thể về thép loại 2 nên nhiều DN nhập khẩu loại thép này đang lúng túng)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Theo như ý kiến của các Doanh nghiệp nhập khẩu thép thì việc yêu cầu nhà nhập khẩu Công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 44 là nhằm hạn chế việc nhập khẩu loại thép Secondary.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 44 thì doanh nghiệp nhập khẩu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hóa trong hợp đồng nhập khẩu để thực hiện việc đánh giá chất lượng thép nhập khẩu.

Cái vướng mắc mà các DN nhập khẩu quan tâm đó là việc những loại thép loại 2 mà họ muốn nhập về lại không có chứng nhân tiêu chuẩn và cũng không phân loại được tại nguồn nên không thể nhập khẩu được.

Căn cứ để Bộ Công thương ban hành Thông tư 44 là để ngăn chặn việc các loại thép phế thải, kém chất lượng nhập về Việt nam.

Theo chúng tôi trong giai đoạn hiện nay việc Bộ Công thương ban hành thông tư 44 là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng thép tiêu dung trong nước. Điểm chưa hợp lý ở đây theo chúng tôi là Bộ chưa lấy ý kiến của các Doanh nghiệp để tham khảo các tiêu chuẩn để phân loại thép như thế nào là loại có Tiêu chuẩn, loại nào không thể có tiêu chuẩn nhưng chất lượng lại đảm bảo như là loại đạt tiêu chuẩn.

Ví dụ như trong thương mại có thép loại hai, là hàng chính phẩm tồn kho, hàng sản xuất dư thừa, hàng bị hủy hợp đồng, hàng sai quy cách hoặc không đúng khổ thông dụng, phần hàng còn lại khi gia công cơ khí…có chất lượng tốt như hàng chính phẩm, phù hợp với nhiều loại sản phẩm.

Nhưng do không có chứng nhận tiêu chuẩn và không phân loại tại nguồn được nên không thể nhập khẩu được.

Vì vậy để giải quyết vấn đề này cũng như để tháo gỡ những khó khăn cho các Doanh nghiệp nhập khẩu thép thì chúng tôi thiết nghĩ Bộ công thương cần ban hành văn bản để quy định rõ chất lượng và tiêu chuẩn của thép loại 2.

BTV:   Hiện nay, theo phản ánh của nhiều công ty, do thủ tục trong thông tư quy định còn rườm ra, dẫn đến những thiệt hại cho DN như chi phí bến bãi, hàng hóa không đưa vào sản xuất được…Thưa ông, những thiệt hại này, DN lại không biết ai chịu trách nhiệm, và hình thức bồi thường cho DN sẽ là như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Việc Bộ Công thương ban hành Thông tư 44 để thực hiện việc quản lý chất lượng thép cả sản xuất trong nước và nhập khẩu. Vì vậy các cá nhân, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài phải tuân thủ theo quy định pháp luật.

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trái Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Như vậy nếu các quy phạm tại Thông tư 44 mà ban hành trái với Luật ban hành VBQPPL thì chỉ Thủ tướng mới có thẩm quyền xem xét và bãi bỏ cũng như xem xét trách nhiệm của Cơ quan ban hành cũng như cá nhân đã ban hành.

Các DN có quyền kiến nghị những nội dung để Thủ tướng CP xem xét và giao cho Bộ tư pháp kiểm tra theo quy định pháp luật.

BTV:  Ông có kiến nghị như thế nào để điều chỉnh những điểm còn chưa hợp lý tại thông tư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Với tư cách là Luật sư chúng tôi đề nghị Bộ Công thương cần xem xét các ý kiến của các doanh nghiệp thép để làm rõ nhưng tiêu chuẩn thép nhập khẩu để các Doanh nghiệp thực hiện việc nhập khẩu thép loại 2 nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Tạm thời  dừng thực hiện kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm thép quy định tại Phụ lục 1, chỉ áp dụng đối với các loại thép xây dựng  quy định tại Phụ lục 2. Riêng đối với các sản phẩm thép loại hai (secondary), cho phép doanh nghiệp khi nhập khẩu không cần khai báo tiêu chuẩn, chỉ khai báo chủng loại sản phẩm như lâu nay đã thực hiện. Đối với mặt hàng thép không gỉ, đề nghị đưa loại hàng này ra khỏi nhóm hàng Phụ lục 2 của Thông tư.

BTV: Theo ông đánh giá, việc ban hành các văn bản pháp luật hiện nay đã sát với thực tế hoạt động của DN? Đã lấy ý kiến đóng góp của các DN, hiệp hội ngành nghề và những ý kiến đóng góp đã thực sự được tiếp thu?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Theo quy định tại Luật ban hành văn bản pháp luật thì khi ban hành thông tư liên tịch 44 thì Dự thảo được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Sau đó Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến góp ý để chỉnh lý dự thảo.

Như vậy trong quá trình dự thảo và đăng tải trên trang TT điện tử của cơ quan mà các DN thép chưa đóng góp được các ý kiến thì khi có hiệu lực Cơ quan chủ trì cần xem xét các ý kiến của DN để Thông tư 44 đi vào thực tế vừa đảm bảo được chức năng quản lý nhà nước vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của DN.