Ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà về vấn đề kinh doanh ô tô điện trên Vietnamnet

0
539

Trong bài viết Ô tô điện 50 triệu, dân Hà Thành chơi liều có ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty Luật SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:

Thời gian gần đây, một số diễn đàn mạng rao bán ô tô điện 3, 4 bánh với giá từ 25-50 triệu đồng/chiếc, tùy từng loại xe. Dù không ít người muốn sở hữu chiếc xe này song họ vẫn băn khoăn về tính pháp lý cũng như điều kiện được phép lưu hành.

Giá rẻ lại không cần đăng ký, bằng lái ?!

“Mùa đông mưa phùn gió bấc đã đến, ai cũng ngại ra đường vì lạnh. Trước đây, nhiều gia đình không đủ điều kiện để sở hữu một chiếc ô tô có giá hàng trăm triệu đồng thì nay đã có giải pháp tháo gỡ. Ô tô điện loại “cao cấp nhất, nội thất đẹp nhất, động cơ tốt nhất, có độ bền và an toàn nhất” dành cho người lớn, nhỏ, gọn, tiện lợi nhưng giá chỉ tương đương… xe máy.

Xe không cần đăng ký, không cần bằng lái, mua nhanh, số lượng hàng chỉ có hạn”. Khi những lời quảng cáo hấp dẫn trên vừa được đưa lên trên mạng xã hội Facebook thì ngay lập tức đã có hàng nghìn lượt like và bình luận, chia sẻ. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú trước hình dáng nhỏ gọn và sự tiện lợi của chiếc xe.

Chị Nguyễn Thu Hiền – nhân viên ngân hàng ở quận Đống Đa chia sẻ, từ lâu chị đã mơ ước được sở hữu 1 chiếc ô tô để chở con đi học. Tuy vậy, do giá xe quá cao, nhà lại khá chật chội nên mong ước đó chưa biết khi nào trở thành hiện thực. Nghe tin sắp có loại xe ô tô điện bán trên thị trường, xe chạy bằng điện lại nhỏ gọn có thể cho được vào trong nhà nên chị Hiền rất háo hức. “Giá xe chỉ tương đương với chiếc xe máy nên không đáng ngại lắm. Điều tôi băn khoăn nhất là người lái xe này có cần bằng lái không, xe có đủ các loại giấy tờ cần thiết và đã được phép lưu hành ở Việt Nam chưa”, chị Hiền đặt câu hỏi.

Cũng theo quảng cáo của những người nhận đặt hàng, ô tô điện có 3 loại là xe 3 bánh, 4 bánh và mui trần. Trọng lượng xe là 350kg, tải trọng khoảng 200kg. Xe có khả năng leo dốc từ 25-35 độ, có phanh bánh sau ổ đĩa. Pin xe được bảo trì miễn phí, điện áp 48V. Thời gian sạc đầy pin là 5 tiếng, quãng đường di chuyển tối đa 60km. Khách muốn chạy đường dài nên mua thêm pin dự phòng. Trong xe còn có máy nghe nhạc và quạt sưởi. Để thu hút sự chú ý của khách hàng, bên bán còn cam kết “như đinh đóng cột”: “Xe được nhập là xe chính hãng, đủ điều kiện tham gia giao thông ở Việt Nam (có thể lưu hành như xe đạp điện). Xe có đầy đủ giấy tờ hải quan, có xuất hoá đơn, bảo hành sửa chữa chính hãng và đặc biệt người điều khiển xe không cần bằng lái”. Tuy vậy, để được sở hữu chiếc xe này, khách hàng phải đặt trước từ 10-15 ngày và đặt cọc 80% tổng giá trị của xe.

Trong vai một người có nhu cầu mua ô tô điện mini, chúng tôi đã liên hệ qua Facebook với một người rao bán mặt hàng này có tên T.H và đề nghị được xem xe mẫu trước khi đặt cọc tiền thì người này tìm mọi lý do để từ chối và cho biết “xe có hình dáng như trong hình ảnh đã được đăng tải. Để tránh tình trạng xe nhập về bị tồn nên bên bán chỉ nhập xe khi có người đặt cọc trước. Về chất lượng xe bên bán hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Dạo qua một số tuyến phố chuyên bán xe đạp, xe máy điện như phố Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng…, khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm mua 1 chiếc ô tô điện mini, các chủ cửa hàng đều… lắc đầu. Anh Nguyễn Đình Trung – người phụ trách 1 điểm bán xe đạp điện trên phố Xã Đàn còn khẳng định “loại phương tiện này chưa được phép lưu hành nên không ai dám nhập về. Bản thân tôi cũng mới chỉ thấy mẫu xe qua ảnh chứ chưa được xem trực tiếp. Với khách hàng thực sự có nhu cầu sở hữu ô tô điện thì phải đặt cọc tiền và chờ một thời gian, cửa hàng sẽ liên hệ với nhà sản xuất để đặt hàng. Tuy vậy, việc họ có được phép điều khiển phương tiện này trên đường hay không, chúng tôi không dám chắc”…

Chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn

Về loại phương tiện nêu trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, hiện nay, ô tô điện có tính năng vượt trội là không gây tiếng ồn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiêu hao rất ít năng lượng nên dự án thí điểm xe điện tại một số tỉnh thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình đã được cho phép triển khai, trong đó có Dự án xe điện phục vụ khách du lịch tham quan trong phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm tại Hà Nội. Sau thời gian thí điểm, bởi tính an toàn và lợi ích kinh tế từ loại xe này mang lại, cơ quan chức năng đã đề xuất cho phép mở rộng phương tiện này ở các thành phố du lịch khác. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động loại hình xe ô tô điện tại Việt Nam hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) chỉ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Bên cạnh đó, tại 1 văn bản được Bộ Giao thông Vận tải ban hành năm 2011, phương tiện giao thông đường bộ không bao gồm “xe ô tô điện”. Như vậy, hiện vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về an toàn kỹ thuật và hạng giấy phép lái xe của người điều khiển đối với xe ô tô điện.

Để khắc phục thực tế trên, vừa qua trong Công văn số 573/TTg-KTN ngày 29-4-2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao trực tiếp cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành tạm thời về tổ chức, quản lý đối với việc sử dụng xe 4 bánh chạy năng lượng điện trong hoạt động chở khách, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự đô thị, đồng thời khẩn trương nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành có liên quan.

Nhằm ngăn chặn tình trạng xe ô tô điện mi ni tràn vào Việt Nam tới mức khó kiểm soát, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm tiến hành nghiên cứu, ban hành quy định về tổ chức, quản lý đối với phương tiện này như quy định với người điều khiển, quy định về đăng ký, đăng kiểm.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng cần ban hành các văn bản hướng dẫn về việc xuất nhập khẩu đối với loại hình phương tiện mới này, mức thuế nhập khẩu, các quy định liên quan tới tiêu chuẩn kỹ thuật, quảng cáo, lưu hành, phí trông giữ và các vấn đề liên quan khác.

“Trong thời gian chưa có quy định cụ thể và rõ ràng về loại phương tiện này, theo quan điểm của tôi, các doanh nghiệp chưa nên kinh doanh mặt hàng ô tô điện mà cần đợi các văn bản hướng dẫn để có cơ sở thi hành vì sẽ có những rủi ro về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần cân nhắc kỹ, không nên vì ý thích nhất thời mà bỏ tiền ra sở hữu một loại phương tiện chưa biết có được lưu hành hay không” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.