Những điểm hạn chế của Luật Doanh nghiệp 2005 cần được sửa đổi

0
684

                                  Những điểm hạn chế của Luật Doanh nghiệp 2005 cần được sửa đổi

     Luật Doanh nghiệp 2005 đã và đang phát huy vai trò tích cực trong đời sống kinh tế đất nước, song cũng bộc lộ một số điểm cần tiếp tục, điều chỉnh, tiêu biểu là một số vấn đề sau:

–          Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về tên và thuơng hiệu doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp quy định Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tên doanh nghiệp (DN), nhưng chưa có quy định cụ thể hóa chế định tên doanh nghiệp; chưa có quy định về mối quan hệ giữa thủ tục đăng ký tên doanh nghiệp và thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể nhằm hạn chế và khắc phục hiện tuợng trùng hoặc nhầm lẫn, tranh chấp tên doanh nghiệp giữa các tỉnh, địa phương và các ngành, loại hình DN.

Cần bổ sung quy định về tiêu chí đặt tên Tập đoàn, Tổng công ty, gắn với cơ cấu tổ chức và quy mô vốn từng đơn vị để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.

–          Thứ hai, hoàn thiện quy định điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp quy định các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, cần sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh tế quốc dân, tạo thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh và thủ tục xuất nhập khẩu phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, với các chuẩn mực quốc tế và khu vực, tránh cách hành xử khác nhau của các cơ quan nhà nước trước các ngành nghề kinh doanh mới phát sinh trong thực tiễn.

Bổ sung một số quy định liên quan đến vấn đề tăng, giảm vốn điều lệ công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên gắn với điều kiện kinh doanh một số ngành, nghề nhất định, bảo đảm minh bạch và lành mạnh môi trường kinh doanh.

Đặc biệt, Luật DN cũng cần bổ sung cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong đăng ký kinh doanh nói riêng và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp nói chung .

–          Thứ ba, điều chỉnh quy định về báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Báo cáo tài chính hàng năm mà Luật Doanh nghiệp quy định các DN phải gửi tới cơ quan đăng ký kinh doanh còn mang tính hình thức, vừa quá chi tiết và phức tạp, vừa thiếu tính thiết thực phục vụ yêu cầu quản lý và hoạch định chính sách.

Vì vậy, cần sửa đổi quy định về chế độ báo cáo hàng năm tình hình kinh doanh của DN với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế theo hướng: quy định nội dung báo cáo phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan, giảm bớt giấy tờ cho DN và đảm bảo nội dung thông tin thật sự có giá trị cho yêu cầu quản lý nhà nước.

–          Thứ tư, hình thành hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh thống nhất từ Trung ương xuống địa phương

Ba loại nghiệp vụ về đăng ký kinh doanh như: đăng ký và bảo hộ tên DN; đăng ký về người thành lập và quản lý DN; đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, đăng ký DN mẹ-con, về bản chất, chúng phải được xử lý trên cơ sở thống nhất thông tin và phân cấp quản lý trong phạm vi cả nước.

Bởi vậy, cần bổ sung trong Luật Doanh nghiệp quy định về thiết lập hệ thống cơ quan và hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh thống nhất. Cơ quan quản lý, hướng dẫn công tác đăng ký kinh doanh cấp Trung ương phải đủ mạnh để đáp ứng kịp thời các yêu cầu thống nhất nghiệp vụ trên phạm vi cả nước.

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là cấp gần nhất với doanh nghiệp và giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, đồng thời xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành. Điều này giúp giảm thiểu và xử lý kịp thời những tranh chấp, khiếu nại giữa DN với cơ quan đăng ký kinh doanh; giữa các DN với nhau mà không có cơ quan có thẩm quyền và cơ sở pháp lý để giải quyết.

Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống thông tin về DN, nối mạng thống nhất trong cả nước. Cung cấp thông tin và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật có chất lượng phục vụ tốt cho việc đăng ký kinh doanh cũng như mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN .

–          Thứ năm, tăng cường các chế tài đủ nghiêm khắc nhằm bảo đảm chấp hành pháp luật trong kinh doanh của doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp cần bổ sung những chế tài hành chính và tài chính nghiêm khắc, nghiên cứu áp dụng rộng rãi quy định tước quyền kinh doanh có thời hạn cần thiết, nhằm bảo đảm yêu cầu phòng ngừa và xử lý kịp thời vi phạm những quy định về sửa đổi, bổ sung điều lệ; thông tin bố cáo thành lập, thay đổi chuyển quyền sở hữu tài sản; lập và nộp báo cáo tài chính; thông báo nội dung thay đổi đăng ký kinh doanh; tạm ngừng hoặc làm thủ tục giải thể; và các quy định về quản lý nội bộ của DN theo Luật Doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần bổ sung các quy định bảo vệ lợi ích các cổ đông nhỏ, giảm thiểu sự lũng đoạn của cổ đông lớn, thu hẹp những mâu thuẫn nội bộ phát sinh, dẫn tới nguy cơ đổ vỡ DN, đình trệ sản xuất, hoặc làm giảm hấp dẫn của các công ty cổ phần trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc bảo đảm đồng thuận và giới hạn trong tăng vốn cổ phần các cổ đông.

Ngoài ra, cần quy định các nội dung và chế tài bảo đảm phạt DN và người đứng đầu DN khi vi phạm các quy định của Luật Lao động, nhất là trong thời hạn ký hợp đồng lao động và các nội dung, điều khoản bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ lao động Thương binh và Xã hội về tiền lương, thời giờ làm việc (làm bình thường và làm thêm), thời giờ nghỉ ngơi; chế độ trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động; cũng như đăng ký thỏa ước lao động và nội quy lao động với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cấp sổ Lao động cho người lao động.

–          Thứ sáu, cụ thể hoá cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp

Cho tới nay, trong Luật Doanh nghiệp còn nhiều khoảng trống về quy định phối hợp quản lý giữa các cơ quan trong công tác “hậu kiểm”, bảo đảm trách nhiệm và quyền hạn cụ thể trong hướng dẫn và giám sát việc chấp hành pháp luật của DN; cập nhật tình trạng DN trên thực tế; trách nhiệm nhận, xử lý và khai thác, lưu trữ báo cáo tài chính của DN.

Do vậy, trên thực tế nhiều DN đã từ chối báo cáo với các cơ quan chức năng, làm giảm hiệu lực quản lý đối với các cơ quan này; đồng thời, nhiều chính sách ưu đãi của các ngành và địa phương đã không đến được với DN.

Thực tế còn cho thấy, cần tiến tới sử dụng thống nhất một mã số đăng ký kinh doanh, mã số thuế và mã số hải quan cho DN; phân cấp rõ ràng, cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp đối với các DN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhất là giữa cơ quan cấp đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế, quản lý môi trường, lao động và UBND các cấp; ngăn chặn hiệu quả các hiện tượng cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp cả từ hai phía: DN và các cơ quan quản lý DN…

Vui lòng kích vào đây để tải về