Cẩn trọng khi đầu tư vào biệt thự nghỉ dưỡng

0
690

Chào mời hấp dẫn

Trong vai khách hàng muốn mua biệt thự nghỉ dưỡng tại Flamingo Đại Lải (FDL), PV Báo Giao thông được nhân viên bán hàng tên H., Phòng Dịch vụ kinh doanh, Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải, chủ đầu tư FDL tư vấn nhiệt tình. Theo H., các gói biệt thự trước đã được bán sạch. Hiện chỉ còn khu biệt thự Charm Villa và Luxury Golf Villa có giá từ 12-30 tỷ đồng/căn. Vị thế đẹp, cơ sở hạ tầng tốt nên nhiều căn đã bán cách đây 2-3 năm giờ đều tăng khoảng 40%.

Nhiều căn biệt thự đang đứng trước nguy cơ ở chẳng được, đi cùng chẳng xong

Theo lời giới thiệu của H., khách hàng chỉ cần trả trước 40-65% giá trị biệt thự. Trong đó, có thể vay vốn ngân hàng tới 60% giá trị đầu tư với lãi suất 0% trong 2 năm đầu tiên. Khách đã thanh toán 65% giá trị hợp đồng, có thể bàn giao cho FDL khai thác trong 5 năm.

“Với căn biệt thự trị giá hơn 12 tỷ đồng, FDL cam kết sẽ chi trả xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm. Như vậy, thực chất khách chỉ phải bỏ khoảng 7 tỷ đồng là đã được sở hữu. FDL cam kết duy tu, bảo dưỡng biệt thự trong thời gian cho thuê… Nếu không giao cho FDL khai thác thì chủ biệt thự có thể tự kinh doanh”, H. tư vấn.

Chào mời hấp dẫn là vậy, song theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nhiều chủ biệt thự tại FDL đang phải kêu trời vì không thể tự cho thuê chính tài sản của mình.

Anh T., chủ căn biệt thự trị giá lúc mua gần 7 tỷ đồng cho biết, sau khi bàn giao nhà, anh và nhiều chủ biệt thự khác mới ngã ngửa khi chủ dự án FDL có toàn quyền ban hành mọi vấn đề cần thiết có lợi cho mình dưới dạng “Quy chế quản lý khu biệt thự”.

Từ việc nghiêm cấm chủ biệt thự tự ý kinh doanh, bắt khách thuê biệt thự mua thêm vé hơn 300 nghìn đồng/người mới được vào cổng, ngay cả người nhà cũng phải có chủ thẻ đi kèm (thẻ chính hoặc thẻ phụ) mới được ở… cho đến việc đột ngột cắt điện, nước nếu các chủ biệt thự không đáp ứng các điều kiện trong chương trình kinh doanh của FDL đề ra…

“Há miệng mắc… hợp đồng”

Điều khiến các chủ biệt thự ở FDL rơi vào cảnh đi không được, ở không xong chính là bản hợp đồng mà họ lỡ ký. Một chủ biệt thự cho biết: “Trong hợp đồng ghi rõ: “Quy chế quản lý khu biệt thự” là quy chế do bên B phê duyệt, có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả những sở hữu, sử dụng biệt thự trong dự án Flamingo Đại Lải resort. Bên B được quyền ngừng hoặc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ ngừng cung cấp điện, nước, gas và các dịch vụ khác nếu bên A vi phạm nghiêm trọng Quy chế quản lý khu biệt thự”.

“Lúc ký hợp đồng tôi chả thấy mặt mũi Quy chế ra làm sao, có người chịu khó xem cũng thấy rất sơ sài, ai ngờ khi mua rồi chủ đầu tư thay đổi Quy chế liên tục, đẩy chúng tôi vào cảnh cho thuê không được, cho người nhà hay bạn bè đến ở cũng không xong”, chị N., chủ một biệt thự cho biết. Hầu hết tất cả các chủ biệt thự mà PV tiếp xúc đều đề nghị được giấu tên bởi rất sợ chủ dự án gây khó dễ, cắt điện nước vì những lý do “trên trời” như khách thuê nhà không có giấy tờ, gây mất an ninh trật tự….

Một chủ biệt thự khác ngán ngẩm: “Nếu không cho thuê được thì coi như đầu tư không có lãi. Vì nếu cùng sử dụng một số tiền đó đi mua chung cư trong thành phố rồi cho thuê từ 1.000 – 2.000 USD/tháng là bình thường. Kể cả không mua nhà mà chỉ gửi ngân hàng vẫn nhận được lãi suất 7-8%/năm tuỳ từng thời điểm. Trong khi đầu tư ở Flamingo, nếu không theo chương trình hợp tác với chủ đầu tư thì không được phép cho thuê kinh doanh. Việc ra vào chính ngôi nhà của mình cũng bị gây khó dễ, rất ức chế”.

Nhiều người đành chọn giải pháp cho chủ dự án FDL thuê lại nhưng cả tháng không có khách. Trước tình hình trên, chia sẻ với PV, một số chủ biệt thự tại đây cho biết đã rao bán với giá chấp nhận lỗ song vài tháng nay vẫn chưa có khách hỏi mua.

Có thể khởi kiện ra tòa?

Trước bức xúc của các chủ biệt thự ở FDL cáo buộc bị chủ dự án “xử ép”, xâm phạm quyền lợi bằng cách liên tục sửa đổi quy chế quản lý biệt thự, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW – Hà Nội cho rằng: “Chủ dự án FDL ban hành quy chế quản lý sau khi hợp đồng mua bán nhà đã được ký kết, nội dung quy chế lại không có sự tham gia, đồng thuận của các chủ biệt thự. Đây chính là những điểm không hợp lý, có biểu hiện vi phạm pháp luật”.

Luật sư Hà khuyến nghị: “Nếu không thể thỏa thuận được với chủ dự án, chủ biệt thự có thể làm đơn yêu cầu thanh tra sở, ngành chức năng vào cuộc, thậm chí có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa”.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia bất động sản, chính sự thiếu hiểu biết của các chủ biệt thự khi đặt bút ký hợp đồng với chủ đầu tư FDL đã đặt họ vào thế bất lợi.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, hiện giờ thị trường biệt thự nghỉ dưỡng, condotel (căn hộ khách sạn) đang rất sôi động nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. “Trong tổng thể khu du lịch, nghỉ dưỡng, anh không được tự do định đoạt quyền kinh doanh. Tất nhiên, quy chế phải thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng song trên thực tế khách hàng vẫn luôn lệ thuộc vào quy chế quản lý của chủ đầu tư”.

Từ đây, ông Quang đưa ra lời khuyên: “Đối với những sản phẩm bất động sản đặc biệt, cần chú ý tới những điều khoản cụ thể trong hợp đồng, mua bán, đặc biệt là quy chế quản lý chung. Khách hàng hoàn toàn có quyền đóng góp vào nội dung quy chế, nếu cảm thấy không thể chấp nhận được có thể kiện chủ đầu tư ra tòa.”