Làm thế nào để ngăn chặn hiểm họa do người tâm thần, “ngáo đá” gây ra?

0
605
Trong bài viết dưới đây trên báo An ninh thủ đô có phần trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thị Thu, luật sư công ty luật SBLAW.
Mời Quý vị đón đọc tại đây:

Hiện nay, nhiều vụ trọng án đã xảy ra, khiến không ít người bỗng dưng mất mạng, chỉ vì đối tượng thực hiện hành vi đang mắc bệnh tâm thần hoặc trong cơn “ngáo đá”. Dù nguy cơ gây chết người từ nhóm đối tượng này hiện hữu khắp nơi, song công tác quản lý, điều trị cho họ vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Hành vi pham tội diễn ra trong trạng thái tinh thần không tỉnh táo dễ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng
Hành vi pham tội diễn ra trong trạng thái tinh thần không tỉnh táo dễ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng

Đề nghị khởi tố con trai mình

Mới đây, tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, đối tượng Đỗ Văn Đông (30 tuổi), quê quán Hải Phòng trong cơn “ngáo đá” đã dùng dao chém liên tiếp vào người chị Nguyễn Thị M. (32 tuổi), trong đó có nhát dao khiến bàn tay trái của chị gần như đứt lìa. Không dừng lại ở đó, khi anh Nguyễn Phước Vinh H. chạy đến giải cứu cho chị Nguyễn Thị M. đã bị Đỗ Văn Đông chém một nhát vào trán khiến anh H. bị thương nặng.

Cũng tại TP.HCM ít ngày trước, bà Trần Thị K. (85 tuổi), ở phường 6, quận 4 đã có đơn kêu cứu gửi Công an quận 4 đề nghị khởi tố chính con trai của mình là Đỗ Đăng Minh (51 tuổi, ở chung nhà). Theo lá đơn này, Đỗ Đăng Minh sau khi ra tù về ở chung với mẹ là bà Trần Thị K. đã sử dụng ma túy đá. Điều đáng lo ngại là mỗi lần lên cơn, đối tượng này thường đánh đập, bóp cổ, dọa giết mẹ và những người thân trong gia đình.

Cách đây không lâu, 1 ca sĩ ở Hưng Yên đã lên cơn “ngáo đá” và giết người yêu chỉ vì nghĩ cô này là… quỷ. Anh ta cho rằng cô gái này có lưỡi dài và đang bơm chất độc vào cơ thể mình nên đã ra tay sát hại. Còn tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, một đối tượng trong cơn “ngáo đá” đã dùng dao đâm trọng thương bố mẹ và em trai rồi tự rạch bụng mình cắt gần hết ruột và nhảy xuống ao ngâm mình tự tử.

Không chỉ đối tượng bị “ngáo đá” mà người tâm thần cũng gây ra nhiều vụ án mạng đau lòng. Điển hình là vụ Điểu Thị Chanh (26 tuổi), ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã siết cổ, dùng dao đâm rồi vứt xác 2 con đẻ của mình xuống giếng. Theo cơ quan chức năng, người mẹ này có dấu hiệu tâm thần. Mới đây, tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, Vũ Văn Đản đã cầm dao rựa chém liên tiếp 7 người khiến nạn nhân nhập viện trong trạng thái thương tích rất nặng. Thủ phạm được cho là có dấu hiệu loạn thần và cơ quan chức năng đang chờ kết quả giám định.

Trước đó, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ án mạng cướp đi cùng lúc 4 mạng người. Phạm Duy Quý (SN 1993), ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã dùng dao rựa sát hại bà nội, bố mẹ đẻ, chị họ của mình. Theo kết quả điều tra ban đầu, Phạm Duy Quý có dấu hiệu bị tâm thần, đã từng được gia đình đưa đi chữa trị nhưng không có bệnh án…
“Ngáo đá” không phải tình tiết giảm nhẹ

Phân tích về hiện tượng “ngáo đá”, bác sĩ Phạm Minh Hiếu, Bệnh viện E Trung ương cho rằng: “Ma túy đá là chất kích thích mạnh, có chứa chất dạng Methamphetamine hoặc Amphetamine được tổng hợp từ các hóa chất, có thể khiến người lương thiện thành tên sát nhân, độc ác. “Ngáo đá” xảy ra khi cá nhân sử dụng ma túy đá xuất hiện các hoang tưởng ảo giác như ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị hại, bị giết.

Hình ảnh một đối tượng ngáo đá hung hãn quậy phá
Hình ảnh một đối tượng ngáo đá hung hãn quậy phá

Tình trạng này khá nguy hiểm, nó có thể khiến người bị “ngáo đá” có hành vi tự sát hoặc giết người. Nguy hiểm ở chỗ, ma túy đá khiến bản thân người nghiện không làm chủ được chính mình. Người sử dụng có thể bị loạn thần ngay lần đầu tiên, nếu dùng liên tục trong thời gian dài sẽ dẫn đến loạn thần mãn tính. Người bị “ngáo đá” có các biểu hiện gần giống với bệnh tâm thần phân liệt”.

Còn dưới góc độ luật pháp, “ngáo đá” không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật hình sự đã quy định người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu bia hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, pháp luật hiện hành không coi người bị “ngáo đá” là người mắc bệnh tâm thần do họ đã chủ động sử dụng ma túy.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự cũng không quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác. Vì vậy, người phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện theo tội danh và hình phạt mà Bộ luật Hình sự đã quy định như người bình thường.

“Mặc dù người bị “ngáo đá” có thể thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội, song đến thời điểm hiện tại, việc quản lý nhóm đối tượng này khá lỏng lẻo. Hơn nữa, các quy định pháp luật hiện nay về xử lý người nghiện ma túy tổng hợp vẫn còn chưa đầy đủ, chủ yếu là phân tích hàm lượng heroin chứa trong viên ma túy nên có thể tỷ lệ rất thấp dẫn đến chế tài không đủ mạnh, thiếu tính răn đe. Ngoài ra, thủ tục để đưa 1 người nghiện vào các cơ sở cai nghiện cũng không phải là điều đơn giản”, luật sư Nguyễn Thị Thu phân tích.

Hiểm họa rình rập từ người tâm thần lang thang

Giống như người bị “ngáo đá”, nguy cơ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội của người tâm thần là khá cao, song việc quản lý nhóm đối tượng này còn thiếu chặt chẽ. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có đến 9 triệu người mang triệu chứng bệnh tâm thần, song số lượng các cơ sở y tế điều trị còn rất khiêm tốn.

Do vậy, phần lớn người bệnh hiện sống tại cộng đồng hoặc lang thang ngoài đường nên có thể gây án bất cứ lúc nào, đặc biệt khi bệnh tình nặng lên hoặc trong mùa hè nắng nóng. Bên cạnh đó, không ít gia đình dù có người mắc bệnh song không đưa thân nhân đến bệnh viện điều trị mà thường tự điều trị ở nhà hoặc bỏ mặc, thậm chí còn giấu tình trạng của người bệnh. Hiện cũng chưa có luật nào quy định, cá nhân, tổ chức nào có nhiệm vụ đưa người tâm thần đi điều trị, thế nên tình trạng người tâm thần không được đưa đi chữa bệnh vẫn còn khá phổ biến.

Nói về nguy cơ gây án từ những bệnh nhân tâm thần, bà Đỗ Thanh Trang, cán bộ hưu trí phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho rằng, hầu hết người bệnh tâm thần chỉ biểu lộ suy nghĩ hành vi bất thường khi có cơn hoang tưởng ảo giác hoặc bị kích động nên rất khó nhận biết.

Trong khi đó, người bị bệnh tâm thần phân liệt cần phải được điều trị và theo dõi lâu dài, nhưng nhiều gia đình lại không coi trọng phác đồ điều trị, cho bệnh nhân uống thuốc thất thường hoặc tự ý bỏ thuốc, không cho người bệnh tái khám nên bệnh tình ngày càng nặng, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Chính quyền các địa phương thì thờ ơ, coi đó không phải trách nhiệm của mình.

Có thể nói, nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội từ người tâm thần, người bị “ngáo đá” là khá lớn. Để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định pháp luật liên quan đối với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, mỗi gia đình, chính quyền các địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ những người có biểu hiện bệnh, nhanh chóng đưa họ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.