SBLAW giới thiệu nội dung bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW về vụ công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương bị bắt và xử ở Malaysia, mời Quý vị xem tại đây:
(Dân Việt) Chỉ hơn 10 ngày sau khi bị bắt, Đoàn Thị Hương đã bị đưa ra tòa xét xử. Trong khi ở Việt Nam, không ít trường hợp đến khi đưa ra xét xử thì người phạm tội đã đủ thời gian chấp hành hình phạt. Vì sao?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội cho biết:
Ngày 15.2.2017, Đoàn Thị Hương bị bắt vì là nghi can sát hại người mang hộ chiếu có tên Kim Chol. Sau khi được gia hạn tạm giữ đến ngày 1.3.2017, Đoàn Thị Hương bị tòa án Malaysia buộc tội giết người theo điều 302, tương ứng với hình phạt tử hình. Như vậy, kể từ khi bị bắt đến khi bị tòa án buộc tội giết người chỉ hơn 10 ngày. Sở dĩ vụ án được đưa ra tòa xét xử trong thời hạn ngắn như thế bởi lẽ:
Thứ nhất, Toà án Malaysia áp dụng quy trình tố tụng theo luật Malaysia, luật Malaysia về trình tự, thủ tục theo hệ thống luật Anh Mỹ (Common Law), vì vậy, quy trình này khá tương đồng với các toà án của hệ thống Common Law.
Hai nữ phạm Đoàn Thị Hương, 29 tuổi (quốc tịch Việt Nam, ảnh trái) và Siti Aishah, 25 tuổi (quốc tịch Indonesia). Ảnh: Dân Việt
Theo luật tố tụng của Malaysia thì trường hợp nghi phạm nằm trong diện điều tra có thể bị tuyên án tử hình hoặc từ 14 năm tù trở lên, lần giam đầu tiên và lần giam thứ hai đều không quá 7 ngày. Thời hạn tạm giam của nghi phạm Đoàn Thị Hương hết hiệu lực vào ngày 28.2. Khi đó, điều tra viên phải hoàn thành hồ sơ điều tra và gửi tới Phó ủy viên công tố (DPP). Nếu DPP đồng ý, nghi phạm sẽ bị buộc tội.
Nếu việc điều tra chưa hoàn thành, nghi phạm sẽ được trả tự do có bảo lãnh. Nếu DPP không cho rằng có tội, nghi phạm sẽ được thả vô điều kiện.
Tuy Đoàn Thị Hương bị đưa ra xét xử nhưng khác với tố tụng của Việt Nam, đây mới là phiên thứ nhất, có nghĩa là trong phiên tòa này, toà án chỉ đọc cho bị cáo nghe phần luận tội của bên công tố, còn phần tranh tụng giữa luật sư và bên công tố thì diễn ra ở các phiên toà kế tiếp, vì vậy, phiên này diễn ra khá nhanh, chưa đầy 30 phút.
Hệ thống tòa án của Malaysia được chia thành tòa cấp dưới và tòa cấp cao.
Tòa cấp dưới, gồm tòa án quận và tòa án địa phương có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với tất cả vụ việc về dân sự và hình sự theo quy định của pháp luật. Tòa cấp cao gồm tòa thượng thẩm, tòa phúc thẩm và tòa liên bang.
Trong một vụ án, bước đầu tiên, tòa địa phương sẽ thụ lý. Tại đây, công tố viên đọc cáo trạng buộc tội bị cáo. Ở Malaysia, chỉ có tòa thượng thẩm mới có quyền tuyên án tử hình, vì vậy, trong trường hợp bị cáo bị kết tội giết người, vụ án sẽ được chuyển lên tòa thượng thẩm. Nếu có kháng cáo thì vụ việc sẽ được chuyển lên tòa phúc thẩm và tòa liên bang.
Thứ hai: Trong vụ việc này, theo các chứng cứ từ camera thu được và từ lời khai của hai bị can, có thể thấy là toà án về cơ bản đã xác định được hành vi phạm tội của hai bị can và đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Như vậy, lý do mà Đoàn Thị Hương bị đưa ra xét xử nhanh là do quy định về thời hạn tạm giam ngắn, quy trình truy tố cũng không phức tạp (chỉ được tạm giam 2 lần, mỗi lần không quá 7 ngày; ở phiên tòa đầu tiên chỉ có phần công tố viên đọc cáo trạng buộc tội bị cáo)
Còn quy trình tố tụng ở Việt Nam thì sao, thưa luật sư?
Việc xử lý vụ án hình sự của chúng ta thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, qua các giai đoạn: Khởi tố, Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thời gian quy định để thực hiện các hoạt động tố tụng trong mỗi giai đoạn khá dài. Vì vậy kể từ khi nghi phạm bị tạm giam đến khi đưa ra xét xử cũng dài.
Đơn cử: Điều 120, quy định thời gian tạm giam để điều tra như sau: “Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đấy là chưa kể trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam còn phải gia hạn tạm giam. Đến giai đoạn truy tố, Điều 166 quy định: “Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” để Viện kiểm sát ra một trong cá quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Bên cạnh lý do trên, còn có những lý do khác như vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng… dẫn đến việc đưa bị can ra xét xử kéo dài.
Tuy nhiên, với tư cách là một luật sư, tôi có băn khoăn là tại sao trong vụ án này, còn có một số nghi can khác, 4 người đàn ông cùng nhóm thực hiện, chưa tiến hành bắt, đang truy nã quốc tế mà toà án đã vội vã đưa hai bị can ra xét xử.
Việc xét xử khi chưa lấy lời khai của những người đồng phạm kia có thể ảnh hưởng tới quá trình tranh tụng và ảnh hưởng tới kết quả của vụ án.
Đây là một điểm mà tôi cho rằng, luật sư được chỉ định của Đoàn Thị Hương có thể căn cứ vào đó để bào chữa cho bị can.
Cảm ơn luật sư!
Link bài viết tại đây: http://danviet.vn/ban-doc/doan-thi-huong-bi-bat-hon-10-ngay-da-dua-ra-xet-xu-vi-sao-749874.html