Lỗi phổ biến của các công ty khởi nghiệp

0
373

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp trên báo An ninh thủ đô điện tử, mời Quý vị xem nội dung tại đây:

ANTD.VN – Xin luật sư cho biết các lỗi pháp lý phổ biến mà các công ty khởi nghiệp hay mắc phải là gì? Cách đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài cho doanh nghiệp Start-up. Đào Hồng Hạnh (Tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời: Phần lớn các chủ doanh nghiệp start-up là người trẻ, chỉ có niềm đam mê làm việc mà thiếu những trải nghiệm về quản trị và pháp lý đối với doanh nghiệp. Thông thường, các lỗi pháp lý mà doanh nghiệp start-up hay mắc phải là:

Không quan tâm tới các vấn đề về sở hữu trí tuệ, khi có các tài sản sở hữu trí tuệ thì không tiến hành đăng ký và có thể bị bên thứ ba đăng ký và mất tài sản, gây ra tranh chấp; Không có cơ chế và phân chia rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên và cổ đông công ty, hay xảy ra tranh cãi và tranh chấp; Không để ý tới vấn đề thuế, nghĩa vụ tài chính với cơ quan Nhà nước và có thể bị phạt nặng khi quyết toán thuế; Không chú ý tới vấn đề lao động, có thể trốn đóng bảo hiểm xã hội, y tế để tiết kiệm chi phí; Không lường trước được rủi ro trong các giao dịch, soạn thảo hợp đồng không chặt chẽ dẫn tới tranh chấp và thiệt hại.

Về cách đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài cho start-up, cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng quốc tế. Để đăng ký nhãn hiệu quốc tế, công ty có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau: Đăng ký nhãn hiệu theo đơn quốc gia là việc công ty trực tiếp nộp đơn tại từng quốc gia dự định đăng ký cho nhãn hiệu.

Trong trường hợp công ty đăng ký từ 3 nước trở xuống thì nên lựa chọn hình thức này để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra có thể đăng ký nhãn hiệu thông qua hình thức nộp đơn quốc tế: Đăng ký theo hệ thống Madrid (Nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, sau đó Cục Sở hữu trí tuệ chuyển đơn cho Văn phòng quốc tế và chuyển vào giai đoạn thẩm định nội dung ở từng quốc gia); Đăng ký nhãn hiệu theo OHIM – Khối thị trường chung châu Âu. Văn bằng bảo hộ của OHIM có hiệu lực đồng thời tại toàn bộ 27 nước thành viên là các nước thuộc cộng đồng chung châu Âu.

Theo đó, đơn sẽ được xem xét tại tất cả các nước thành viên. Trong trường hợp bị từ chối, nếu muốn nhãn hiệu được bảo hộ tại các nước còn lại, công ty sẽ phải chuyển đơn thành đơn quốc gia. Một trong những lưu ý là chi phí đăng ký nhãn hiệu quốc tế thường rất cao, vì vậy, các doanh nghiệp start-up nên được tư vấn để lựa chọn hình thức đăng ký tiết kiệm được chi phí.