Những điểm mới của luật đấu giá tài sản

0
417

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã nêu ra Những điểm mới của luật đấu giá tài sản trong chương trình kênh VTC10.

Ngày 1/7 tới đây, Luật đấu giá sẽ chính thức có hiệu lực. Ông có thể phân tích ý nghĩa của điều này?

Trước đây, các quy định về đấu giá tài sản được quy định một số văn bản như: Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 về việc ban hành quy chế bán đấu giá tài sản, quy định về việc bán đấu giá tài sản của thương nhân (Trong luật thương mại 2005), hay Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản…Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước trên đà hội nhập, hoạt động đấu giá tài sản với những quy định điều chỉnh cũ đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Chính vì lẽ đó Luật đấu giá tài sản năm 2016 ra đời đã góp phần thúc đấy sự phát triển của hoạt động đấu giá hiện nay.

Như chúng ta đã biết, Luật đấu giá tài sản bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7. Đây là văn bản pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến đấu giá tài sản hiện nay. Nhờ có Luật đấu giá mà các quy định mang tính thống nhất, rõ ràng hơn. Cụ thể, Luật đấu giá quy đinh về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Như vậy, việc luật đấu giá tài sản chính thức đi vào hiệu lực là căn cứ cơ sở quan trọng để điều chỉnh các vấn đề của đấu giá tài sản. Quan trọng hơn là đảm bảo tính trung thực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản.

Điểm đáng chú ý nhất của Luật đấu giá là gì thưa ông?

Điểm đáng chú ý nhất của Luật đấu giá chính là việc pháp luật ghi nhận thêm một hình thức đấu giá mới “Đấu giá trực tuyến”. Việc bổ sung thêm hình thức đấu giá trực tuyến góp phần làm đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động hành nghề đấu giá trong tình hình mới, tiếp cận với xu thế phát triển của thế giới cũng như hạn chế thông đồng, dìm giá, thu hút được nhiều người tham gia. Ngoài 3 hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp thì tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một hình thức đấu giá trực tuyến (Điều 40 Luật đấu giá tài sản). Đây là một hình thức mới hiện nay. Tại Việt Nam đấu giá trực tuyến khá phổ biến dưới hình thức mua bán qua mạng nhưng vẫn chưa được quy định cụ thể trong luật. Do vậy quy định mới trong luật đấu thầu tạo ra khung hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo cho việc đấu thầu được diễn ra công khai, minh bạch để việc đấu giá được diễn ra hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích kinh tế.

Những quy định nào của Luật đấu giá thể hiện sự hội nhập mạnh mẽ của lĩnh vực này với thị trường đấu giá quốc tế?

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, Luật đấu thầu đã đưa ra nhiều quy định thể hiện tính tương thích cao với thị trường đấu giá quốc tế. Một số các quy định có thể kể đến ví dụ như:

Một là, khắc phục hạn chế của những quy định trước đây, Luật Đấu giá tài sản tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá như việc phê duyệt tài sản đưa ra đấu giá, việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá được thực hiện trước khi ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá; việc chuyển quyền sở hữu tài sản được thực hiện sau khi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện việc đấu giá thành công.

Hai là, các hình thức bỏ phiếu được quy định một cách rõ ràng hơn. Luật đấu giá quy định về hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá.

Ba là, về phương thức trả giá thì bên cạnh phương thức trả giá lên như đã biết thì còn có phương thức đặt giá xuống. Điều này cũng thể hiện tính cập nhật, học hỏi, bổ sung một cách phù hợp các quy định của Việt Nam về phương thức đấu giá so với các quy định của thị trường đấu giá quốc tế.

Đấu giá tài sản trực tuyến là hình thức mới được quy định trong Luật Đấu giá tài sản 2016, sẽ có hiệu lực vào ngày 1.7 tới. Liệu đây có phải là hình thức giúp thị trường đấu giá VN tiệm cận hơn với thị trường đấu giá quốc tế?

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, hoạt động đấu giá quốc tế có những bước phát triển mạnh và ngày càng trở nên phổ biến. Hình thức đấu giá trực tuyến này với ưu điểm là là cho phép diễn ra trên một phạm vi rộng lớn, không ràng buộc về vị trí hay số lượng người tham gia, cách thức tổ chức linh hoạt góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động đấu giá vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Do vậy, việc quy định đấu giá tài sản trực tuyến trong Luật đấu giá tài sản năm 2016 chính là bước đà để Việt Nam có thể tiếp cận hơn với thị trường đấu giá quốc tế.

Tuy nhiên, hiện việc lựa chọn mô hình đấu giá trực tuyến nào vẫn đang được Chính phủ cân nhắc đề xây dựng Nghị định hướng dẫn cụ thể. Theo quan điểm của ông, mô hình nào sẽ phù hợp với Việt Nam?

Như đã nói ở trên, ngày 1/7 tới Luật đấu giá tài sản 2016 sẽ có hiệu lực. Để thực hiện việc đấu giá tài sản trực tuyến, Chính phủ đã công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đấu giá tài sản. Theo đó, những vấn đề về hình thức đấu giá mới này được quy định từ điều 7 đến 16 của dự thảo (10 điều). Điều này cho thấy các nhà làm luật và chính phủ rất quan tâm việc đấu giá trực tuyến.

Hiện nay có 3 mô hình đấu giá trực tuyến phổ biến. Với mô hình 1, các tổ chức này không trực tiếp bán hàng của mình mà chỉ giúp các thành viên, doanh nghiệp có tài sản liệt kê và trưng bày tài sản của họ để người mua tham gia đấu giá tài sản đó và thực hiện việc thanh toán. Việc công bố thông tin, chất lượng, giá bán của tài sản hoàn toàn do người có tài sản tự thực hiện, đăng tải trên mạng. Còn ở mô hình 2, Nhà nước giao cho 1 doanh nghiệp nhà nước đứng ra thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để bán đấu giá tất cả các tài sản công hoặc tài sản khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Với mô hình thứ 3, tổ chức đấu giá tài sản tự thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình và tổ chức việc đấu giá tài sản trên trang thông tin đó. Theo mô hình này, các tổ chức đấu giá tài sản thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức trực tuyến trên cơ sở hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với người có tài sản. Trong trường hợp các tổ chức đấu giá không thành lập trang tin điện tử đấu giá trực tuyến thì có thể ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để thuê cơ sở hạ tầng đấu giá trực tuyến.

Theo quan điểm của tôi, mô hình 3 là mô hình phù hợp hơn cả. Mô hình này thể hiện tính linh hoạt và nó thực sự phù hợp với các thực tiễn đấu giá của Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, mô hình 1 và mô hình 2 nhìn chung tính khả thi không cao vì vướng mắc các yếu tố liên quan đến quy định của pháp luật.

Theo ông, điểm khó khăn nhất khi triển khai đấu giá trực tuyến là gì?

Theo quan điểm của tôi, điểm khó khăn nhất khi triển khai đấu giá trực tuyến là khả năng kiểm soát thực tế đối với hoạt động này. Tức là bằng cách nào có thể đảm bảo hiệu quả của các sàn đấu giá trực tuyến. Tuy đây là hình thức đấu giá đảm bảo tính công khai, minh bạch nhưng đây cũng là loại hình đấu giá mới và rất có thể sẽ không nhận được nhiều hưởng ứng của những người có tài sản bán đấu giá, phần có thể do chưa quen với việc tiếp cận hình thức đấu giá mới, phần có thể do nhiều đối tượng đang cố lợi dụng các hình thức đấu giá như trước đây thông đồng, thao túng giá nhằm trục lợi bất chính. Nhất là hiện nay, trừ những loại tài sản bị bắt buộc phải đấu giá theo hình thức nhà nước quy định thì các loại tài sản khác đều được đấu giá theo hình thức tùy chọn.

Làm thế nào để vận hành đấu giá trực tuyến được thuận lợi?

Theo quan điểm của tôi, để hoạt động đấu giá trực tuyến được vận hành một cách thuận lợi thì trước hết cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng và han chế tối đa các rào cản đối với hoạt động này.

Thứ nhất là đối với đối tượng tham gia hoạt động này, cần chuẩn hóa việc đào tạo ngành nghề đấu giá, tức nâng cao chất lượng đấu giá viên và qua đó hoạt động đấu giá sẽ vận hành tốt bởi những đấu giá viên chuyên nghiệp.

Thứ hai, cần có sự thống nhất về các loại tài sản được đấu giá trực tuyến

Thứ ba là đảm bảo sự công khai, minh tối đa đối với các thông tin liên quan đến hoạt động đấu giá bằng cách tăng cường hoạt động kiểm tra đối với các chủ thể bán đấu giá. Đồng thời xử lý nghiêm trường hợp hợp sai phạm như công bố thông tin bán đấu giá giả, công bố tên loại hàng hóa bán đấu giá sai sự thật…

Thứ tư là cần tiến hành các biện pháp để nâng cao chất lượng, tốc độ của các trang thông tin điện tử bán đấu giá bằng cách thường xuyên kiểm tra, nâng cấp các trang thông tin đó để khi hoạt động bán đấu giá diễn ra sẽ không bị xảy ra sự cố và cho kết quả về người trúng đấu giá chính xác, khách quan và công bằng nhất.