Ngày 25/4, tọa đàm “Sở hữu trí tuệ giúp nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp” đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Cục Sở hữu Trí tuệ (NOIP) và Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA) tổ chức thành công. Đây được xem là cơ hội để phổ biến sâu rộng hơn nữa tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng thư ký VCCI, bà Phạm Thị Thu Hằng đã nhận định tài sản trí tuệ có vai trò to lớn trong nền kinh tế hiện nay và nó cũng là tài sản vô hình đối với các doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tài sản vô hình cũng có giá trị kinh doanh lớn hơn nhiều lần so với các loại tài sản hữu hình cộng lại, đặc biệt, nó có ý nghĩa quan trọng trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.
Bà Hằng cho biết thêm , trong thời gian gần đây, những hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ đã diễn ra hết sức sôi động với nhiều vấn đề như bảo hộ quyền tác giả, định giá tài sản trí tuệ, mua bán sáp nhập, chỉ dẫn địa lý hay xây dựng thương hiệu… Tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp thì câu chuyện về tài sản vô hình vẫn là câu chuyện còn xa vời và các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã đưa ra những phân tích với các nội dung chính của Sở hữu trí tuệ trong đó bao gồm, một số vấn đề trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, vai trò của chỉ dẫn địa lý đối với doanh nghiệp, lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả trong bối cảnh phát triển của công nghiệp văn hóa và định giá tài sản sở hữu trí tuệ.
Giải đáp thắc mắc của diễn giả, bà Hà Nguyệt Thu, Cục sở hữu trí tuệ cũng đã phân tích cụ thể về những vấn đề liên quan đến vai trò của chỉ dẫn địa lý.
Theo đó, lợi ích của bảo hộ chỉ dẫn địa lý hướng tới 3 đối tượng là người sản xuất, người tiêu dùng và xã hội.
Với người sản xuất, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp họ xác nhận về nguồn gốc sản phẩm, được pháp luật bảo vệ, giúp tăng doanh số, lợi nhuận, là công cụ quảng cáo, tiếp thị và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Trong khi đó, đối với người tiêu dùng thì bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp họ có được chỉ dẫn về hàng hóa có chất lượng từ vùng có chỉ dẫn địa lý đồng thời tránh rủi ro khi mua phải hàng giả mạo, hàng kém chất lượng.
Còn đối với xã hội thì bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang tới môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa và giữ gìn, bảo tồn cũng như phát triển được các ngành nghề, sản phẩm truyền thống.
Tiếp theo đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, công ty TNHH Tầm nhìn và liên danh đã nêu ra những vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến quyền tác giả.
Theo đó, quyền tác giả là một nhóm ngành của quyền sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả lại được chia thành quyền tác giả và quyền liên quan.
Về đối tượng bảo hộ, quyền tác giả bảo hộ cho tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; phần mềm máy tính và cơ sở dữ liệu.
Trong khi quyền liên quan bảo hộ cho các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và các chương trình phát sóng.
Điều kiện để tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là tác phẩm phải có tính nguyên gốc và được thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định. Và khi đáp ứng đủ các điều kiện trên thì tác phẩm sẽ tự động phát sinh quyền bảo hộ mà không cần bất kỳ thủ tục đăng ký nào.
Về phần định giá tài sản sở hữu trí tuệ, ông Phan Phương Linh, Phó giám đốc công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam nhận định tỷ trọng trung bình của giá trị “tài sản vô hình” trong tổng giá trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên thế giới là 53% trong năm 2016, nhưng tỷ trọng này tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 26%.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được bài học “đau xót” khi xem nhẹ giá trị thương hiệu nên đã không đăng ký bản quyền, và rồi bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và lấy mất thương hiệu. Tiêu biểu như thương hiệu nước mắm Phú Quốc, thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột…
Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2017, Tọa đàm “Sở hữu trí tuệ giúp nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp” đã được diễn ra thành công vào ngày 25/4 tại Hà Nội.
Nguồn: http://nhanhieuviet.gov.vn/vn/su-kien/so-huu-tri-tue-%E2%80%93-mat-xich-khong-the-thieu-cho-doanh-nghiep-nang-cao-vi-the-va-gia-tri-81692.phtml