Muốn đổi họ cho con, phải làm những thủ tục gì?

0
375

Câu hỏi:

Do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên hai vợ chồng tôi đã ly hôn, có quyết định của Tòa án. Hiện nay, tôi đang một mình nuôi con gái 3 tuổi. Bây giờ tôi muốn làm lại giấy khai sinh của bé theo họ của mình thì phải làm những thủ tục gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến thắc mắc của bạn về thủ tục đổi họ cho con, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điểm a Khoản 2 Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rõ trường hợp thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ và ngược lại:

“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

         …

  1. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ”.

Khoản 2 Điều 26 BLDS 2015 cũng nêu rõ về cách xác định họ tên của cá nhân:

“Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ”. 

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, cha, mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung:

 “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.

Do đó, dù hai bạn đã ly hôn và bạn là người trực tiếp nuôi con nhưng không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ của cha cháu bé với con chung của hai người, trong đó có việc quyết định thay đổi họ cho con hay không. Bên cạnh đó, việc thay đổi họ cho con là một nội dung thuộc thay đổi thông tin trên giấy khai sinh – giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân nên phải đáp ứng điều kiện thau đổi hộ tịch quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch:

“Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó”.

Vì vậy, việc thay đổi họ cho con bạn từ họ cha sang họ mẹ vẫn cần có sự đồng ý của bố cháu bé thể hiện trong tờ khai khi thực hiện thủ tục thay đổi họ cho con. Sau khi có sự đồng ý của bố cháu bé về việc thay đổi họ của con từ họ cha sang họ mẹ, bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi họ cho con theo quy định tại Điều 27, 28 Luật Hộ tịch năm 2014 về đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, gồm các nội dung chính sau:

Bước 1: Nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu; ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh.

Nơi thực hiện: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.