Tính pháp lý của Fintech tại Việt Nam

0
1099

Fintech là gì?

Fintech là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Các công ty fintech được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup. Nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.

Fintech tại Việt Nam

Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn khá mới mẻ dù các công ty trung gian thanh toán đã xuất hiện vào năm 2008. Hiện nay, thị trường đang có hơn 40 công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán (chiếm gần 60%). Hiện có 2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS; chuyển tiền, … Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng, dịch vụ cho vay trực tuyến, …

Mô hình hoạt động Fintech trong thời gian qua chủ yếu là mô hình hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng. Hiên nay, tất cả các công ty trung gian thanh toán được NHNN cấp giấy phép hoạt động đều phối hợp với ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều có những cách tiếp cận khác nhau trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Fintech, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính của NHNN (Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017), bao gồm thành viên đến từ các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước do Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh làm Trưởng ban.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu đề xuất tới Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái (trong đó khuôn khổ pháp lý là một ưu tiên hàng đầu), tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển; đồng thời, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.

Theo Quyết định này, Vụ Thanh toán được giao làm Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, là đầu mối duy nhất phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, giúp triển khai những nhiệm vụ liên quan đến Fintech được nhất quán, tránh chồng chéo và đảm bảo tính hiệu quả.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp này hoạt động còn chưa đầy đủ, do đó một số loại hình doanh nghiệp hoạt động mang tính tự phát, tiềm tàng rủi ro.

Đơn cử như khi ngân hàng bắt đầu cung cấp một dịch vụ nào đó tương đối mới lạ, hay còn gọi là phi truyền thống, sẽ gặp vướng mắc nhiều về thủ tục, giấy phép kinh doanh. Điều này yêu cầu nhà băng buộc phải bổ sung các thủ tục theo đúng quy định, tốn khá nhiều thời gian và công sức hay khi đầu tư công nghệ luôn có rủi ro về chất lượng của công ty start up. Những công ty này có tính năng động nhưng thiếu ổn định, bền vững trong việc đánh giá chất lượng, đảm bảo bảo mật. Do đó, ngân hàng khi hợp tác với Fintech cần bổ sung những tiêu chí khảo sát về chất lượng và bảo mật kỹ lưỡng nhằm đảm bảo khi sử dụng dịch vụ của họ.

Để thúc đẩy sự phát triển ngân hàng điện tử và Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý/quản lý đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của Fintech nhằm thúc đẩy sự phát triển năng động, bền vững và ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, cần nghiên cứu thấu đáo để hiểu rõ và làm chủ các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo trước khi áp dụng ở Việt Nam, đảm bảo tránh rủi ro và mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.

Tóm lại, Fintech tại Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với khả năng tối ưu hóa trải nghiệm người dùng dịch vụ tài chính, xu hướng này được dự báo sẽ mang đến không ít thách thức cho các ngân hàng truyền thống và cả ngành tài chính nói chung trong thời gian tới.