Uber sáp nhập vào Grab: Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh?

0
540

Sự cạnh tranh của Uber và Grab được cho là khách hàng hưởng lợi, tuy nhiên khi hai bên cùng về một nhà, thị trường taxi khốc liệt hơn hay độc quyền hơn?

Sáng ngày 26/3/2018, Grab chính thức thông báo vừa thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Phía Grab khẳng định, đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Theo đó, Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Grab cho biết sau khi sáp nhập, hãng này sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức hiện có của Grab.

Là một phần của thỏa thuận thu mua, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, đồng thời CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

Dù Grab khẳng định việc sáp nhập sẽ tạo thuận lợi hơn cho khách hàng nhưng theo tôi việc sáp nhập Uber vào Grab không tránh khỏi lo ngại chuyện độc quyền, tăng giá cước trong thời gian tới.

Xét ở góc độ pháp lý về cạnh tranh, theo quy định tại Luật cạnh tranh năm 2004 thì sáp nhập doanh nghiệp là một hành vi tập trung kinh tế. Theo đó, Luật Cạnh tranh quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab – Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về việc sáp nhập để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi sáp nhập.

Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.

Và để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của tất cả các nước Đông Nam Á mà có quy định này.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ các cơ quan báo chí thì trước khi thương vụ Grab thâu tóm Uber hoàn tất, Cục Quản lý cạnh tranh không nhận được hồ sơ thông báo về tập trung kinh tế.

Hiện, Cục Quản lý Cạnh tranh vừa yêu cầu Grab và Uber cung cấp hồ sơ liên quan để xem xét về tính pháp lý.

Điều 23 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ. Văn bản trả lời của cơ quan quản lý cạnh tranh phải xác định tập trung kinh tế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tập trung kinh tế không thuộc trường hợp bị cấm;

b) Tập trung kinh tế bị cấm theo quy định tại Điều 18 của Luật này; lý do cấm phải được nêu rõ trong văn bản trả lời”.

Trong trường hợp giao dịch mua bán, sáp nhập vi phạm Luật Cạnh tranh, hậu quả pháp lý khá nghiêm trọng, mức tiền phạt tối đa lên tới 10% tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm (Điều 118 Luật Cạnh tranh).

………………………………………………………………………………………………

Trước đó, năm 2017, Grab tuyên bố có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng. Hãng này cũng ghi nhận 1 tỷ lượt đi ở khu vực Đông Nam Á.

Còn Uber không công bố thị phần của mình ở Đông Nam Á, nhưng trong một tuyên bố vào hồi tháng 6 năm ngoái, công ty này cho biết tổng số lượt sử dụng dịch vụ của khách hàng đã vượt qua mốc 5 tỷ.

Grab hiện cung cấp dịch vụ tại hơn 160 thành phố trên khắp các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Đối lập, Uber chỉ hoạt động trong khoảng 60 thành phố trong khu vực.

Luật sư từ SBLAW và chuyên gia từ Cục quản lý cạnh tranh bình luận và làm rõ trong chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” phát sóng trên VTV2 với chủ đề: “Cạnh tranh không lành mạnh”. Mời quý vị đón xem: