Nhà phát triển dự án là ai, vai trò như thế nào trong các dự án đầu tư?

0
1714

Tại nhiều dự án bất động sản hiện nay xuất hiện cụm từ “đơn vị phát triển dự án” hay “nhà phát triển dự án”.Vậy, xin Anh cho biết, những “đơn vị phát triển dự án” hay “nhà phát triển dự án” tại dự án bất động sản thì được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Khái niệm “đơn vị phát triển dự án” hay “nhà phát triển dự án” mới chỉ xuất hiện trên thị trường bất động sản Việt Nam mấy năm trở lại đây, kể từ sau giai đoạn khủng hoảng của thị trường. Đó là giai đoạn có hàng trăm, hàng nghìn dự án nằm đắp chiếu nhiều năm. Những dự án ở đây thường là những dự án nằm ở vị trí đắc địa, đã đầy đủ toàn bộ hoặc một phần pháp lý, nhưng chủ đầu tư không đủ tiềm lực để triển khai tiếp. Khi thị trường hồi phục trở lại, đây chính là “mỏ vàng” cho các công ty có tiềm lực, kinh nghiệm nhảy vào thâu tóm.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng dự án theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thường phức tạp và mất thời gian, nên các bên chọn hình thức “Hợp đồng hợp tác”.

Vì vậy, có thể hiểu nhà phát triển dự án (NPT) là một doanh nghiệp ký kết “hợp đồng hợp tác” với chủ đầu tư (CĐT) – không đủ tiềm lực – của một dự án nào đó để cùng nhau triển khai dự án.

Mô hình này đã giúp nhiều dự án chết được hồi sinh, góp phần vào sự phát triển chung của thị trường thời gian qua; được áp dụng với các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất, hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp.

Việc thiếu kinh nghiệm hoặc không có thế mạnh trong xây dựng, quản lý và phát triển dự án bất động sản là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều chủ đầu tư chọn cách nhờ người khác làm thay.

Đó cũng là cách hợp lý để tạo ra sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, đồng thời đảm bảo thanh khoản cho dự án nhờ ăn theo thương hiệu của những nhà phát triển.

“Đơn vị phát triển dự án” hay “nhà phát triển dự án” sẽ có vai trò, trách nhiệm như thế nào tại dự án và điều này có được pháp luật quy định cụ thể không?

Trả lời:

Theo đó, NPT sẽ đại diện CĐT giải quyết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, huy động vốn, quản lý tài chính, thi công, giám sát quá trình xây dựng, đến phân phối bán hàng và làm mọi việc liên quan đến các hoạt động về truyền thông cho dự án mà họ đã kí kết. Mặc dù có thể thấy NPT làm thay vai trò của chủ đầu tư dự án nhưng thực chất lại không phải chủ đầu tư.

CĐT chịu mọi trách nhiệm toàn bộ pháp lý về chất lượng, tiến độ bàn giao của dự án. Họ có quyền kiểm tra, yêu cầu ngừng thi công khi có sự cố để đảm bảo chất lượng công trình. Bên có vai trò pháp lý đối với dự án vẫn là CĐT.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về “đơn vị phát triển dự án” hay “nhà phát triển dự án”. Trên thực tế, không có sự chuyển nhượng pháp lý nào về dự án. Theo đó NPT chỉ thực hiện các công việc đã cam kết trong hợp đồng, còn lại CĐT vẫn phải chịu trách nhiệm, gánh vác rủi ro nếu có tranh chấp xảy ra với khách hàng.