Xử lý sai phạm trong xây dựng cơ bản, góc nhìn từ luật sư.

0
961

Vừa cơ cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 4 bị can liên quan đến Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã dành cho báo Diễn đàn doanh nghiệp bài trả lời phỏng vấn về nội dung này.

  1. Ông đánh giá thế nào về vụ việc này?

Trả lời:

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139, 204 km, tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, hoàn thiện toàn tuyến vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, từ đó đến nay tuyến đường này xuất hiện nhiều sự cố.

Sau đợt mưa lớn đầu tháng 10/2018, mặt đường đoạn từ Km0 đến Km65 xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, ổ gà. Cuối tháng 10, 21 cầu trên tuyến cao tốc có hiện tượng nước thấm từ dải phân cách giữa xuống mố trụ; thấm nước mối nối ống thoát nước mặt cầu. Như vậy, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi liên tục xuất hiện những hư hỏng kể từ ngày được khánh thành đưa vào sử dụng

Liên quan đến những sai phạm, gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ngày 14/11, Bộ Công an khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cùng ba người khác.

Ba người khác bị khởi tố, tạm giam là Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7; Phạm Đình Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7.

Từ khi triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, công trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót khiến dư luận bức xúc, do đó, cá nhân tổ chức nào vi phạm thì cần phải xử lý kịp thời, tránh những sự việc tương tự xảy ra.

Trong tương lai, Việt Nam cần rất nhiều đường cao tốc, đặc biệt là các gói thầu của cao tốc bắc nam, nếu chúng ta không xử lý hình sự những sai phạm, sẽ không có tính chất răn đe giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân nhà thầu khác, ảnh hưởng lớn tới uy tín của nhà thầu Việt Nam đối với chủ đầu tư.

  1. Các bị cáo sẽ đối diện với mức án nào?

Trả lời:

Bốn bị can bị Bộ công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, với những hành vi vi phạm, các đối tượng trên có thể phải chịu mức án cao nhất lên tới 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tôi xin nhấn mạnh, đây là bước đầu các cơ quan tố tụng mới khởi tố vụ án và bị can liên quan tới điều 298, nếu trong quá trình điều tra, nếu phát hiện ra những sai phạm và các tội phạm mới, cơ quan tố tụng có thể khởi tố bổ sung các tội danh, đặc biệt là các tội phạm tham nhũng.

  1. Vì sao từ trước đến nay có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra, nhưng lại không xử lý quyết liệt do pháp luật không quy định, hay do một nguyên nhân nào khác?

Trả lời:

Quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này đã khá hoàn thiện. Tuy nhiên, gần như đây là lần hiếm hoi một dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng được đưa ra xử lý bằng pháp luật hình sự.

Đã từ rất lâu, việc “rút ruột” công trình giao thông là nỗi nhức nhối của nhiều người.

Từ làm một con đường bê tông nông thôn đến cao tốc hiện đại, tình trạng này luôn luôn xảy ra. Nhưng xử lý hành vi này xem ra rất khó và thường bị ỉm đi trước sự tố cáo của người dân hay sự phanh phui của truyền thông.

Thực tế, thực trạng quản lý diễn ra lỏng lẻo dẫn đến các hành vi tiêu cực trong quá trình xây dựng như: ăn cắp vật liệu, vật tư thi công để giảm chi phí, khiến chất lượng công trình kém;  hay đơn vị thi công yếu năng lực, dẫn đến chất lượng công trình thấp; các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát thông đồng, cùng sự buông lỏng của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc, không phát hiện quy trình sai, không giám sát đúng đắn, dẫn đến công trình bị rút ruột dễ hư hỏng, xuống cấp nhanh sau thi công.

Có một thực tế là việc tham nhũng, sai phạm trong thi công các công trình đường thường dễ xảy ra hơn so với các công trình nổi trên mặt đất, việc giám định thiệt hại và chất lượng đối với hàng trăm km đường là khó khăn, vì vậy đây cũng là nguyên nhân khó khăn cho việc xử lý.

  1. Từ vụ việc này đặt ra những bài học gì về việc quản lý các công trình xây dựng?

Trả lời:

 Việc quản lý các công trình xây dựng đòi hỏi sự nghiêm túc và quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lẫn những người thực hiện. Thông qua vụ việc liên quan đến Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi lần này, bài học đặt ra cho việc quản lý các công trình xây dựng đó là vai trò giám sát công tác xây dựng và công tác nghiệm thu kết quả công trình.

 Giám sát các công trình xây dựng là vấn đề được đặt ra cốt yếu. Việc giám sát không chỉ xuất phát từ những nhà thầu,mà còn phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đặc biệt đối với những dự án lớn như dự án làm các đường cao tốc, việc giám sát càng phải đặt nặng hơn nữa để tránh những thiếu xót trong khâu quản lý như không chặt chẽ về chất lượng và thiếu thông tin quản lý dự án.

   Còn đối với công tác nghiệm thu, chỉ được nghiệm thu những công việc xây lắp, bộ phận kết cấu, thiết bị, máy móc, bộ phận công trình, giai đoạn thi công, hạng mục công trình và công trình hoàn toàn phù hợp với thiết kế được duyệt, tuân theo những yêu cầu của tiêu chuẩn và các tiêu chuẩn qui phạm thi công và nghiệm thu kỹ thuật chuyên môn liên quan. Việc nghiệm thu này phải được phối hợp chặt chẽ từ các bên có liên quan đến các cơ quan quản lý dự án, cơ quan chức năng.

  1. Pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật có liên quan về quản lý các công trình xây dựng hiện được quy định như nào? Đã rõ ràng, chặt chẽ?

Trả lời:

Hiện nay có rất nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành về quản lý các công trình xây dựng như Luật Đấu thầu 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư 2014 cũng như các Nghị định, Thông tư có liên quan.

      Tuy nhiên các văn bản pháp luật tuy nhiều, nhưng lại chưa thật sự chi tiết, rõ ràng, chặt chẽ trong các quy định về quản lý các công trình xây dựng.

Công tác quản lý các công trình xây dựng quy định trong các văn bản này vẫn còn bị chung chung, chưa tách bạch về điều kiện quản lý, công tác quản lý cụ thể cũng như những chế tài thật sự có ý nghĩa răn đe khi xảy ra những vi phạm.

Các văn bản này cũng cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung định mức tăng phí phục vụ trong đó đặc biệt là phí giám sát để công tác quản lý được tốt hơn.

  1. Giải pháp để quản lý các công trình xây dựng tốt hơn?

Trả lời:

Thứ nhất, cần rà soát sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình. Bổ sung các quy định, các chế tài đối với các chủ thể tham gia xây dựng, quy định rõ chế tài trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi vi phạm. Cũng cần bổ sung các quy định của quy chế đấu thầu trong Luật Đấu thầu về việc đảm bảo chất lượng công trình xây dựng trong hồ sơ mời thầu, các quy định trong Luật Xây dựng về việc bắt buộc các tổ chức nhà thầu phải có chứng chỉ năng lực theo cấp công trình.

            Thứ hai, cần nghiên cứu ban hành các chính sách liên quan nhằm nâng cao chất lượng quản lý các công trình xây dựng. Điều này có thể thực hiện qua việc xây dựng các chính sách khuyến khích các tổ chức tư vấn quản lý điều hành dự án, tổ chức tư vấn giám sát chuyên ngiệp; các chính sách  phát huy vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng, kể cả việc thực hiện chuyển một số dịch vụ công cho tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện như: đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, giám định, công nhận công trình chất lượng cao, lên danh sách đơn vị, cá nhân vi phạm công tác quản lý,…

            Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tăng cường công tác quản lý công trình xây dựng thông qua việc thành lập hệ thống mạng lưới kiểm định chất lượng xây dựng trong phạm vi toàn quốc ở trung ương và địa phương đối với các công trình xây dựng. Đặc biệt đề cao chế độ bắt buộc kiểm tra công tác quản lý chất lượng đối với các công trình sử dụng bằng vốn ngân sách nhà nước.