Ký hợp đồng học việc hay hợp đồng thử việc?

0
492

Câu hỏi: Em chào anh (chị) ạ! Em có 1 thắc mắc muốn nhờ anh chị giải đáp giúp ạ Công ty em là công ty về may mặc và có nhận đào tạo cho người chưa có tay nghề. Nhưng vì tính chất công việc nên trong quá trình học việc NLĐ đã có thể trực tiếp sản xuất ra hàng hóa, thành phẩm. Vậy thay vì ký Hợp đồng học việc, công ty em có thể ký Hợp đồng thử việc trong thời gian 1 tháng được không ạ? Nếu được thì nội dung của Hợp đồng em sẽ phải lấy theo mẫu của Hợp đồng học việc hay Hợp đồng thử việc ạ? Em cảm ơn anh (chị) ạ! Thân!

Trả lời:

Hiện nay theo Bộ luật lao động 2012, các quy chế về học nghề được quy định tại Điều 61 như sau:

  1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.

Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

  1. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.
  2. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
  3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Đồng thời, Điều 27 BLLĐ cũng quy định về thời hạn thử việc như sau:

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

  1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
  2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
  3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như vậy căn cứ các điều khoản trên và trong trường hợp của bạn, có thể thấy bạn đang có nhu cầu đào tạo nghề may mặc cho nhân viên và có tạo ra sản xuất trong quá trình học nghề. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 thì người học nghề được tạo ra sản phẩm trong thời gian học nghề và người sử dụng lao động cũng có nghĩa vụ trả lương. Điều này cũng có nghĩa việc người học nghề tạo ra sản phẩm trong quá trình học không ảnh hưởng gì đến việc phải thay đổi loại hợp đồng là hợp đồng học việc hay hợp đồng thử việc, bởi pháp luật không cấm điều này, vậy nên việc có đổi loại hợp đồng hay không tùy thuộc vào công ty.

Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý hiện chưa có văn bản nào quy định công nhân may mặc phải đáp ứng một trình độ nhất định. Vậy nên đối với thời gian thử việc, công ty bạn chỉ được phép cho người lao động thử việc trong thời gian không quá 6 ngày theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 trên.

Về nội dung hợp đồng sẽ theo loại hợp đồng mà bạn ký kết.