Quy định của pháp luật hiện hành về việc trả lãi suất trong các quan hệ dân sự

0
706

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong quan hệ dân sự giữa các chủ thể, vấn đề lãi suất sẽ được đặt ra trong 02 trường hợp sau: (i) Trong quan hệ hợp đồng vay có thoả thuận về trả lãi; (ii) Trách nhiệm trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể như sau:

  1. Trong quan hệ hợp đồng vay có thoả thuận về lãi

Trả lãi là nghĩa vụ của bên đi vay tài sản trong hợp đồng vay tài sản được quy định tại điều 463 BLDS 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo đó, điều kiện để nghĩa vụ trả lãi phát sinh trong quan hệ hợp đồng vay là: bên đi vay có trách nhiệm trả lãi cho bên cho vay khi hai bên có thoả thuận.

Như vậy, trong hợp đồng vay tài sản, bên đi vay có nghĩa vụ phải hoàn trả bên cho vay tài sản với đúng số lượng và chất lượng; ngoài ra, bên đi vay có thể có nghĩa vụ trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Tuy nhiên, bám theo quy định trên, trong quan hệ hợp đồng vay, “bên vay chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”. Vậy trong trường hợp này, khi nào bên vay phải trả lãi kể cả khi không có thoả thuận và theo quy định của pháp luật?

Câu trả lời ở đây là khi bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ khoản nợ đến hạn theo khoản 4 Điều 466 BLDS 2015: Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tương tự, kể cả khi hợp đồng vay đã có thoả thuận về lãi suất, mà trong trường hợp bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ khoản nợ đến hạn, bên vay cũng phải trả thêm một khoản lãi suất phát sinh do chậm trả nợ theo khoản 5 Điều 466 BLDS 2015.

Những trường hợp này được xác định là trách nhiệm do pháp luật quy định về trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

  1. Trách nhiệm trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

Căn cứ theo khoản 1 Điều 357 BLDS 2015 thì: “Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả

Điều 306 Luật Thương mại 2005 cũng có quy định tương tự về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau: Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo đó, pháp luật đặt chế tài đối với hành vi chậm trả tiền là phải trả lãi suất trong mọi quan hệ dân sự, thương mai, chứ không chỉ đối với quan hệ hợp đồng vay. Điều kiện để phát sinh nghĩa vụ trả lãi chậm trả là cứ khi nào xuất hiện hành vi chậm trả tiền, bất kể có thiệt hại hay không hoặc có thoả thuận hay không.

Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa vụ trả tiền, pháp luật cũng có quy định một số nghĩa vụ khác cũng làm phát sinh lãi chậm trả, cụ thể một số ví dụ như sau:

(i) Theo khoản 2 Điều 438 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm do giao vật không đồng bộ: 2. Trường hợp bên mua đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất thỏa thuận giữa các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do giao vật không đồng bộ, kể từ thời điểm phải thực hiện hợp đồng cho đến khi vật được giao đồng bộ.

(ii) Theo án lệ số 09 đề cập đến không phải trả tiền mà nghĩa vụ hoàn trả tiền sau khi nhận tiền mà không giao hàng. Nghĩa vụ hoàn trả tiền không được đề cập đến trong Bộ luật dân sự cũng như Luật Thương mại, án lệ 09 xử lý theo hướng hoàn trả tiền chậm sau khi nhận tiền mà không giao hàng cũng làm phát sinh lãi chậm trả. Án lệ này cũng có thể là cơ sở để áp dụng với việc phát sinh lãi chậm trả đối với những quan hệ không phải quan hệ mua bán.

Ngoài ra, trên thực tế, trong những trường hợp không có thoả thuận và pháp luật cũng không có quy định về lãi chậm trả đối với những nghĩa vụ khác ngoài trả tiền, Toà án vẫn có thể tuyên về nghĩa vụ trả lãi đối với khoản tiền chậm trả nếu xét thấy hợp lý và phù hợp, đây cũng là một công cụ rất tốt để tạo áp lực cho một bên thực hiện đúng nghĩa vụ mà Toà đã tuyên.