Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp xung quanh hai vụ kiện phòng vệ thương mại mà sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt tại Mỹ

0
641

Câu 1: Hiện ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với hai vụ việc điều tra chống lẩn tránh từ Bộ Thương mại Mỹ với sản phẩm gỗ dán và tủ bếp. Với vụ việc gỗ dán theo thông tin có 36 doanh nghiệp không hợp tác đẩy đủ, cung cấp thông tin không nhất quán. Còn với vụ việc tủ bếp thì 40 doanh nghiệp gửi bàn bình luận quá thời hạn quy định. Theo đánh giá của ông việc này có cho thấy năng lực ứng phó của nhiều doanh nghiệp Việt với các vụ kiện phòng vệ thương mại còn thấp hay không? Đâu là điểm còn bất cập của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với kiện phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu hàng Việt lớn?

Trả lời:

Trước hết, cần phải nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa hành động, tuân thủ theo các yêu cầu của Bộ Thương Mại Mỹ (DOC). Về 36 doanh nghiệp gỗ dán “không hợp tác”, “không phản hồi”, đấy là do họ chưa mở tài khoản trên trang web của DOC để trả lời những câu hỏi của bộ, hoặc có tài khoản nhưng thông tin không nhất quán.

Có thể nói rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nguồn lực, hiểu biết để áp dụng chế độ tài chính, chế độ kế toán theo chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, trong 40 doanh nghiệp tủ bếp, tủ nhà tắm bị DOC từ chối, có nhiều doanh nhiệp trong danh sách này là những doanh nghiệp gỗ lớn như Công ty cổ phần Cẩm Hà, Công ty cổ phần chế biến gỗ Thuận An, … hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế và nhân sự. Thế nhưng, các công ty này vẫn nộp bản bình luận quá thời gian hoặc do thao tác kỹ thuật sai.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa có độ ngũ cán bộ, pháp chế có hiểu biết sâu rộng về luật quốc tế để có phương án ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ, có 33 doanh nghiệp thông báo doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp báo doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%). Do đó, không thể phủ nhận được ảnh hưởng của các vụ kiện phòng vệ thương mại lên sự phát triển của ngành thương mại gỗ nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa biết tận dụng nguồn lực của các hiệp hội ngành nghề, những thương vụ ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với những vụ việc tương tự.

Câu 2: Đối với 2 vụ việc của ngành gỗ, theo đánh giá của ông doanh nghiệp Việt có tránh được việc Mỹ áp thuế chống lẩn tránh hay không?

Trả lời:

Ngày 23/8, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã có thông cáo báo chí thông tin về hai vụ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán cứng và tủ gỗ (tủ bếp/tủ nhà tắm) nhập khẩu từ Việt Nam.

Về vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng là sản phẩm được làm từ các lớp gỗ ván bóc gắn với nhau bằng keo, sau đó được phủ một hoặc hai lớp ván gỗ cứng ở bề mặt.

Hoa Kỳ đang áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98-194,9%.

Ngày 17/6/2020, trên cơ sở cáo buộc của ngành sản xuất trong nước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán cứng của Trung Quốc.

Ngày 25/7/2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận sơ bộ của DOC cho rằng, gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã phối hợp cùng Cục Phòng vệ thương mại gửi nội dung bình luận của hiệp hội và của Bộ Công Thương về kết luận sơ bộ này lên DOC để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp liên quan về các quy định điều tra tiếp theo của DOC.

Như vậy, cho tới ngày 22/8, DOC chưa có quyết định cuối cùng rằng sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Bên cạnh đó, theo thông báo mới nhất, DOC gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17/10/2022.

Việc có áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại này hay không của phía Hoa Kỳ cũng phụ thuộc nhiều vào hành động của các doanh nghiệp Việt Nam, nếu các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý rõ ràng và bác bỏ những cáo buộc về hành vi lẩn tránh thuế từ phía nguyên đơn, khả năng không áp dụng hoặc mức thuế áp dụng sẽ được xem xét lại.

Câu 3: Theo ông đứng trước các vụ kiện phòng vệ thương mại như vậy thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như thế nào? Cần có giải pháp nào hỗ trợ các doanh nghiệp?

Trả lời:

Cơ quan quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại là Bộ Công Thương, trong đó Cục Phòng vệ thương mại là tổ chức trực thuộc, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương về PVTM.

Trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã được thể chế hóa trong Luật Quản lý ngoại thương và được cụ thể hóa trong một số đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Đề án tái cơ cấu ngành công thương,

Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý và trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc.

Đồng thời, tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm của ta về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc với Cơ quan điều tra của nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

* Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp:

– Yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là cần nâng cao năng lực áp dụng biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế.

Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những giấy tờ, chứng từ để chứng minh cho chi phí sản xuất. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần duy trì hệ thống kế toán minh bạch, bởi khi vụ kiện đã xảy ra thì không quay trở lại để sắp xếp.

Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước. Bởi sớm một ngày thì doanh nghiệp có lợi một ngày.

Hiện có những hệ thống cảnh báo như từ các đối tác của doanh nghiệp ở nước ngoài, từ cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành nghề…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Khi tham gia vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản và trong bất kỳ vụ kiện nào, sự tham gia của một mình doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của chuyên gia về lĩnh vực này.

Câu 4: Trong bối cảnh nhiều quốc gia mở rộng phạm vi phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào để không lúng túng trước các vụ việc, thưa ông?

Trả lời:

Với doanh thu xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ ngày càng tăng, các doanh nghiệp Việt Nam nên linh hoạt, ứng phó trong các vụ kiện thương mại hơn nhằm đảm bảo kinh doanh thuận lợi, phát đạt. Doanh nghiệp phải chắc chắn đảm bảo nguồn gốc gỗ chuẩn của Việt Nam, cũng như thu thập, kiểm chứng đủ thông tin, dữ liệu, lịch sử về hàng hóa; nâng cao nguồn lực, kiến thức về phòng vệ thương mại.

Về mặt pháp lý, các doanh nghiệp xuất khẩu nên làm việc với luật sư hiểu rõ luật xuất khẩu quốc tế; trao đổi thông tin giữa luật sư và các cơ quan chức năng của Mỹ một cách minh bạch, rõ ràng. Trong trường hợp bị kiện, phải làm rõ các thủ tục, quy trình; hợp tác sát sao, trung thực với DOC.

Các hiệp hội, cơ quan nhà nước cũng cần phải đồng hành với các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, nâng cấp hệ thống thông tin, pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; xử lý công bằng những vụ gian lận thương mại. Bên cạnh đó, cũng nên trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ và các nước khác để tìm hiểu, nghiên cứu quy trình sản xuất gỗ ở Việt Nam, xây dựng mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa Việt Nam và các nước khác.