Đánh giá quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay

0
866

Luật sư Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những chia sẻ về quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm. Nội dung bài phỏng vấn như sau:

1.Thứ nhất, pháp luật hiện nay quy định về quy trình sản xuất thực phẩm an toàn như thế nào?

Trả lời:

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, trừ các trường hợp sau theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Trong đó, nhóm cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không cần Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn có thể hoạt động được bao gồm:

– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định

– Sơ chế nhỏ lẻ

– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ

– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn.

– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

– Nhà hàng trong khách sạn.

– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm.

– Kinh doanh thức ăn đường phố.

Tiêu chí kiểm tra an toàn thực phẩm

Mặc dù được miễn giảm Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng các trường hợp trên vẫn thường xuyên bị kiểm tra, cho nên đối với các đơn vị này cần tuân thủ các tiêu chí kiểm tra của cơ quan chức năng, nhằm tuân thủ pháp luật và cũng là cách bảo vệ sức khỏe dành cho khách hàng của mình

Các tiêu chí kiểm tra bao gồm:

(1) Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm.

(2) Bày bán/chế biến thức ăn trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất 60 cm

(3) Thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa nắng và các loài côn trùng, động vật khác

(4) Không để lẫn giữa những thực phẩm sống và thực phẩm chín

(5) Có dụng cụ xúc, gắp thức ăn sạch sẽ

(6) Bảo đảm có đủ nước và nước đá sạch phù hợp với quy định

(7) Người sản xuất kinh doanh nhóm ngành nghề này phải có sức khỏe tốt và có kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

(8) Có sổ sách ghi chép nguồn thực phẩm

(9) Có đủ dụng cụ, túi đựng chất thải, rác thải kín và hợp vệ sinh.

assorted veggies on gray surface

2. Thứ hai, anh có đánh giá gì về việc quản lý, đảm bảo chất lượng thực phẩm an toàn theo quy định pháp luật hiện nay (nó đã hoàn thiện, khá đầy đủ, đảm bảo được tính an toàn cho người sử dụng)?

Trả lời:

Trên thực tế, việc quản lý, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm hiện nay của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập:

Thứ nhất, văn bản pháp luật cũng như phân chia trách nhiệm, thẩm quyền quản lý còn chồng chéo, phức tạp

Tại Điều 62, 63, 64 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định cụ thể những sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của từng Bộ. Nhưng trong quá trình thực hiện các Bộ có sự chồng chéo so với Luật an toàn thực phẩm, ví dụ như quá trình sản xuất tôm do ba Bộ Y Tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý, cùng là sản phẩm thuỷ sản, nhưng khi xuất khẩu do một cơ quan kiểm tra cấp giấy, khi nhập khẩu lại do cơ quan khác kiểm tra và cấp giấy … Do đó, cần thống nhất tập trung một đầu mối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý, tránh chồng chéo, bỏ sót. 

Thứ hai, việc quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương còn lỏng lẻo, xử phạt chưa nghiêm

Tại các địa phương, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bộ máy quản lý, nguồn lực kiểm soát tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng để thực hiện các nhiệm vụ. Ngoài ra, các địa phương chưa xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong kinh doanh rau, quả và thủy sản, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Thứ ba, văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm của nước ta còn thiếu tính cập nhật

Thời gian qua, đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Ethylene oxide hay còn gọi là oxiran (EO), là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Chất này có thể gây hại cho sức khoẻ, gây ung thư nếu sử dụng tích tụ trong một thời gian dài.  Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa ban hành quy định về việc sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Sự việc này cho thấy Việt Nam cần nghiên cứu kĩ hơn và cập nhật hơn đối với quốc tế vì những điều tốt nhất cho sức khoẻ người Việt Nam.

pile of gray sacks

3. Thứ 3, hiện nay có nhiều chất ở nước A không quy định là chất cấm, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng khi xuất khẩu sang nước B, thì chất này lại bị xử lý vì vi phạm quy định an toàn thực phẩm của nước đó. Vậy trường hợp này trách nhiệm sẽ được đặt ra như thế nào?

Trả lời:

Đối với trường hợp xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật của hai nước là nước nơi sản xuất và nước nơi mình xuất khẩu sang tuỳ thuộc vào mục đích của doanh nghiệp. Để được xuất khẩu ở nước A, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng các điều kiện mà nước A yêu cầu để thực hiện mục đích xuất khẩu, ví dụ như doanh nghiệp phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu, thực hiện thủ tục hải quan đúng pháp luật … Tuy nhiên, tại nước B nơi doanh nghiệp xuất khẩu sang với mục đích tiêu thụ trên thị trường, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện pháp luật nước B quy định để được tiêu thụ các sản phẩm của mình trên thị trường.

Khi muốn xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp phải nắm được quy định của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu để đảm bảo tuân thủ pháp luật, điều này phải nằm trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm với các quyết định kinh doanh của mình.