Vấn đề có nên bãi bỏ ngành nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không?

0
494

Nhận lợi mời trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành SB Law đã trao đổi một số nội dung về ngành nghề đăng ký kinh doanh trong doanh nghiệp, những bất cập và phương hướng giải quyết.

Bài phỏng vấn sẽ được phát trong chương trình Tâm Chấn, kênh tài chính kinh doanh VITV.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này.

Biên tập viên:Thưa ông, hơn 10 năm luật DN năm 2005 đi vào thực tiễn đã lộ rõ một số bất cập. Cụ thể như hiện nay có 1 số ngành nghề  không có tên trong mã ngành. Theo ông điều này ảnh hưởng như thế nào đến các DN khi họ muốn đăng ký mới?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Vâng, hiện nay ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đang được ghi và áp mã ngành theo quyết đinh 337/2007/QĐ-BKH  của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

Nhưng khi đi vào thực tiễn đã lộ ra vấn đề bất cập là Quyết định 337/2007 đã không liệt kê được hết và đầy đủ  những ngành nghề kinh doanh đang hiện có ở Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, cụ thể:

Thứ nhất: Doanh nghiệp Không thể thực hiện được hoạt động kinh doanh theo nhu cầu vì ngành nghề không được liệt kê và cấp mã theo Quyết định 337/2007. Dẫn đến các rủ ro:

–  Rủi ro thứ nhất là DN kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không có trong giấy đăng ký kinh doanh sẽ là vi phạm và xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù DN được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

–   Rủi ro tiếp thuộc về phía đối tác, nếu hợp đồng hợp tác được ký mà DN không đăng ký kinh doanh thì rất dễ bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Thứ hai: Trong thực tế triển khai nhiều ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn tới việc DN phải xin ý kiến Bộ, ngành liên quan mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để có thể đăng ký. Thậm chí có DN phải đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với thực tế hoạt động. Dẫn đến các rủi ro:

–   Không thể ký kết hợp đồng với các đối tác vì họ yêu cầu nội dung công việc trong hợp đồng phải được ghi cụ thể trong đăng ký kinh doanh.

–  Và cũng dẫn đến khó khăn cho kế toán doanh nghiệp ghi nội dung trong hóa đơn VAT vì hoạt động kinh doanh thực tế lại không được ghi đúng như ngành nghề đăng ký.

Biên tập viên: Ông có thể cho biết hiện công ty luật bên mình đã gặp và tư vấn chotrường hợp DN nào khi đăng ký kinh doanh mà lĩnh vực đó lại không có trong mã ngành? Đối với những trường hợp như thế xảy ra thì các DN đó được giải quyết như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:  Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, công ty chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn đăng ký ngành nghề mà lại không được liệt kê cụ thể trong mà ngành nghề.

Ví dụ như: ngành nghề Bán buôn, bán lẻ quần áo, trang thiết bị bảo hội lao động, phòng cháy chữa cháy, ngành nghề về dịch vụ thông hút bể phốt, dịch vụ diệt côn trùng,  bán buôn cốp pha xây dựng, dịch vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ thực phẩm , nghiên cứu và tổ chức thí nghiệm điện….,

Đối với những trường hợp  ngành nghề không được liệt kê trong mã ngành thì cơ quan đăng ký kinh doanh có hướng dẫn doanh nghiệp như sau:

Đối với nhũng ngành nghề không được liệt kê trong Quyết định 337/2007 mà được quy định trong luật chuyên ngành thì được ghi theo luật chuyên ngành nhưng vẫn phải áp mã theo mã ngành tương tự trong QĐ 337/2007.

Trường hợp ngành nghề cũng không được liệt kê trong luật chuyên ngành, nếu không thuộc ngành nghề bị cấm và ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ được áp theo một mã ngành tương tự.

Doanh nghiệp cần phải xin ý kiến của cơ quan Bộ, ngành liên quan, sau đó Bộ ngành sẽ xem xét và có công văn hướng dẫn gửi cơ quan đăng ký kinh doanh cấp mã ngành nghề.

Với hướng giải quyết này thực sự rất mất nhiều thời gian và chi phí.

Như vậy với doanh nghiệp thì việc để áp được đúng mã ngành nghề là cả một vấn đề không hề đơn giản và để có được ngành nghề kinh doanh theo đúng như cầu  thực tế thì càng khó khăn hơn.

Ngay bản thân chúng tôi là đơn vị tư vấn và hỗ trợ thủ tục cho các doanh nghiệp, khi gặp những trường hợp ngành nghề không được liệt kê trong Quyết định 337, chúng tôi cũng khá vất vả khi làm thế nào có thể đáp ứng được nhu cầu ngành nghề của doanh nghiệp và cũng vừa phải áp đúng mã ngành nghề theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Để thúc đẩy khuyến khích doanh nghiệp mở rộng kinh doanh và phát triển thì chúng ta cần phải tạo một hành lang pháp lý thông thoáng ngay từ khâu đăng ký ngành nghề kinh doanh.

Biên tập viên: Hiện nay các DN khi muốn kinh doanh thêm 1 ngành nghề nào đó đều phải làm lại giấy đăng ký kinh doanh  điều này gây nhiều bất tiện cho cả DN cũng như cơ quan công vụ. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:  Thực tế nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp là thường xuyên và hay thay đổi để phù hợp với thị trường, việc sửa đổi bổ sung ngành nghề là thiết yếu.

Với mỗi lần bổ sung sửa đổi ngành nghề, Doanh nghiệp lại phải làm lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Rất nhiều  trường hợp doanh nghiệp trong 1 năm phải làm lại đăng ký kinh doanh đến 4 lần. Điều này thực sự gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp và mặt khác cơ quan đăng ký kinh doanh cũng phải dành  một đội ngũ cán bộ và một lượng thời gian không nhỏ chỉ phục vụ cho thủ tục sửa đổi bổ sung ngành nghề gây lãng phí tiền của nhà nước.

Chúng ta nên có hướng thay đổi đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký ngành nghề kinh doanh, nhằm giảm tải chi phí của doanh nghiệp và giảm tải lượng công việc và thủ tục cồng kềnh cho cơ quan nhà nước.

luat-su-nguyen-thanh-ha-tra-loi-phong-van

                   Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phóng viên trong chương trình Tâm chấn

 Biên tập viên: Được biết trong nội dung dự thảo luật sắp tới có 1 nội dung đang được các DN rất quan tâm đó là  đề xuất bãi bỏ qui định ngành nghề đăng ký kinh doanh ghi trên giấy đăng ký kinh doanh, DN có thể kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Quan điểm của ông về ND này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:  Quan điểm của tôi là hoàn toàn ủng hộ như nội dung của dự thảo, việc này sẽ làm giảm chi phí, thủ tục cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà nước cần ban hành một danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề hạn chế kinh doanh, ngành nghề cấm kinh doanh, được liệt kê và cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp có thể tham khảo khi lập công ty mới.

Video LS.Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn: