Cách tính thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm khắt khe hơn, bỏ hình phạt cảnh cáo, thẩm quyền quyết định cưỡng chế được mở rộng, nhiều biện pháp cưỡng chế hơn… là những thay đổi quan trọng trong Thông tư số 217/2013/TT-BTC
Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 03 năm 2014, sẽ điều chỉnh hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, thay thế Thông tư số 37/2011/TT-BTC.
Để góp phần làm rõ nội dung Thông tư quan trọng này, chúng tôi xin được giới thiệu những thay đổi quan trọng trong Thông tư số 217/2013/TT-BTC nêu trên.
Về cách xác định thời hiệu
Quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính khắt khe hơn, khi hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc vẫn bị xử phạt như đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, với mức thời hiệu xử phạt như nhau là 2 năm.
Cách tính thời hiệu xử phạt 2 năm đối với từng hành vi vi phạm cũng có sự thay đổi. Ví dụ, đối với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, thời hiệu xử phạt được tính kể từ ngày lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, khác với cách tính thời hiệu của Thông tư số 37 là ngày nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không đúng thời hạn theo quy định….
Về các hình thức xử phạt
Thông tư số 217 đã bỏ hình phạt cảnh cáo, thay vào đó chỉ có duy nhất hình phạt tiền với các mức phạt khác nhau và cũng không còn được áp dụng các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ để xác định mức tiền phạt như Thông tư số 37. Điều này sẽ gây thêm nhiều áp lực cho các tổ chức, cá nhân hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, theo quy định mới, nhà đầu tư sẽ được đảm bảo quyền lợi hơn khi được hoàn trả lại số tiền mà mình đã đầu tư dưới các hình thức khác nhau. Theo đó, các tổ chức cá nhân vi phạm phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán nhà nước về kết quả thực hiện việc hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thiện hoàn trả cho nhà đầu tư.
Về việc lập biên bản vi phạm hành chính
Trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền của người lập biên bản, người lập biên bản phải chuyển toàn bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, ngắn hơn so với thời hạn trong Thông tư số 37 là 5 ngày.
Về thẩm quyền quyết định cưỡng chế
Thông tư số 217 mở rộng thẩm quyền quyết định cưỡng chế. Theo đó, bên cạnh Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Chánh Thanh tra Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do mình ban hành.
Về các biện pháp cưỡng chế
Thứ nhất, chứng khoán có giá trị tương ứng với số tiền phạt sẽ chỉ bị kê biên, không bị bán đấu giá, khác với Thông tư số 37/2011/TT-BTC khi tài sản và chứng khoán có giá trị tương ứng với số tiền phạt đều bị kê biên và bán đấu giá.
Thứ hai, Thông tư số 217 quy định thêm một biện pháp tịch thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản. Như vậy, so với thông tư số 37, Thông tư mới này của Bộ Tài chính đã khắt khe hơn, chặt chẽ hơn.
Thứ ba, ngoài các biện pháp cưỡng chế để tịch thu khoản thu trái pháp luật, theo Thông tư số 217 các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế để khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23-9-2013
Bỏ nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế, điều khoản quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp cưỡng chế và theo dõi, đôn đốc thu khoản thu trái pháp luật và tiền phạt
Một điểm đáng chú ý là Thông tư số 217/2013/TT-BTC đã bỏ đi hai nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế được quy định tại Thông tư số 37/2011/TT-BTC, đồng thời, cũng không còn điều khoản quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp cưỡng chế. Trong Thông tư này, trách nhiệm theo dõi đôn đốc khoản thu trái pháp luật và tiền phạt của Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng không được đề cập.