Hình thức chiết khấu giấy tờ có giá là sự thể hiện trên thực tế các giao dịch chiết khấu giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Như vậy, căn cứ vào những tiêu chí nhất định chúng ta có một số hình thức chiết khấu giấy tờ có giá sau:
- Thứ nhất, căn cứ vào thời hạn chiết khấu giấy tờ có giá được chia thành hai loại: Chiết khấu dài hạn và chiết khấu ngắn hạn.
– Chiết khấu dài hạn: là loại chiết khấu mà thời hạn nắm giữ giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng từ 1 năm trở lên..
– Chiết khấu ngắn hạn: là loại chiết khấu mà thời gian nắm giữ giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng dưới 1 năm.
- Thứ hai, theo tiêu chí bảo đảm rủi ro thanh toán giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, chiết khấu giấy tờ có giá gồm hai loại là chiết khấu có quyền truy đòi và chiết khấu không có quyền truy đòi.
– Chiết khấu có quyền truy đòi là loại chiết khấu mà tổ chức tín dụng có quyền truy đòi khách hàng đã chiết khấu nếu giấy tờ có giá không được tổ chức phát hành thanh toán.
– Chiết khấu miễn truy đòi là loại chiết khấu mà tổ chức tín dụng không có quyền truy đòi nếu tổ chức phát hành giấy tờ có giá từ chối thanh toán.
- Thứ ba, theo tiêu chí quyền mua lại giấy tờ có giá của khách hàng có hai loại là chiết khấu có thời hạn và chiết khấu vĩnh viễn.
– Chiết khấu có thời hạn: là loại chiết khấu mà khách hàng cam kết mua lại giấy tờ có giá sau một thời gian nhất định với mức giá thoả thuận và thời điểm mua lại này là trước khi giấy tờ có giá đến hạn thanh toán.
– Chiết khấu vĩnh viễn (hay còn gọi chiết khấu toàn bộ thời hạn còn lại của giấy có giá) là loại chiết khấu mà việc chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá được thực hiện ngay và hoàn toàn lại thời điểm chiết khấu mà không kèm theo cam kết mua lại giấy tờ có giá của khách hàng.
- Thứ tư, theo tiêu chí số lần chiết khấu đối với giấy tờ có giá thì có chiết khấu và tái chiết khấu.
– Tái chiết khấu là việc tổ chức tín dụng chiết khấu giấy tờ có giá của một tổ chức tín dụng khác, sau khi tổ chức tín dụng này chiết khấu cho khách hàng.