Cán bộ hải quan nhận tiền “bôi trơn” của doanh nghiệp, xử lý thế nào?

0
622

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Thông tấn về việc Cán bộ hải quan nhận tiền “bôi trơn” của doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1/ Thông tin nườm nượp doanh nghiệp đưa tiền cho hải quan, đây được xem như chi phí không chính thức mà hầu hết các doanh nghiệp phải thực hiện? Vậy đối với cán bộ hải quan hành vi này vi phạm như thế nào? Nếu ở mức tiếp tay có khép vào tội hình sự hay không?

Trả lời:

Hành vi của cán bộ hải quan nhận tiền “bôi trơn” của doanh nghiệp đã cấu thành Tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:

“Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.

Xét cấu thành tội phạm của tội nhận hối lộ:

  • Về chủ thể: cán bộ hải quan (người có chức vụ, quyền hạn);
  • Về khách thể: quan hệ xã hội chủ nghĩa đảm bảo sự hoạt động đúng đắn và uy tín của nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
  • Về mặt khách quan:

– Hành vi: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

  • Về mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp.

Nếu cán bộ hải quan có hành vi tiếp tay cho hành vi nhận hối lộ thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

2/ Rõ ràng thực tế cho thấy tình trạng cán bộ hải quan nhũng nhiễu nhận hối lộ khá phổ biến phải chăng có lỗ hổng trong pháp luật?

Theo ông từ khía cạnh pháp luật có thể chặt chẽ hơn để chấm đưt tình trạng này hay không?

Trả lời:

Câu chuyện hải quan bị “tố” làm luật không còn là mới và hiếm gặp ở Việt Nam; tuy nhiên, sau khi có phản ánh, tố cáo tiêu cực, nhũng nhiều xảy ra, nhiều vụ việc chưa được làm rõ, chưa được xử lý nghiêm minh, công tác xử lý cán bộ còn chưa đảm bảo tính răn đe. Tình trạng đưa, nhận hối lộ để được việc khi giao dịch với cơ quan công quyền chưa giảm; ý thức, trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế nhưng chưa có các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là do thủ tục hành chính hải quan còn khá rườm rà, chưa sát thực tê nên các doanh nghiệp dù đúng hoàn toàn nhưng vẫn phải trả tiền “làm luật”. Ví dụ:

Nhân viên chạy lệnh, kể cả nhà dịch vụ khai thuê, không phải ai cũng thạo việc. Mà thủ tục hải quan thì rắc rối, phức tạp. Nếu không có lót tay thì nhân viên chạy giấy non nghề cũng không biết đường nào mà đối phó với chất vấn từ phía hải quan. Trong trường hợp phí bôi trơn theo luật bất thành văn, “tiện cả đôi đường”. Cá biệt có trường hợp nhân viên chạy lệnh cũng nhân thể bớt xén thêm ít nhiều của Công ty.

Thiết nghĩ, trước mắt phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như kê khai tài sản, thu nhập; công khai minh bạch trong hoạt động các cơ quan; chống phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân; sửa đổi, bổ sung, thực hiện nghiêm các chế độ định mức, tiêu chuẩn.

Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách; đẩy mạnh thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; có chính sách về lương, thưởng hợp lý.

Hoàn thiện và thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, việc thực hiện quy định về quà tặng, quà biếu, nhận quà và nộp lại quà.

Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Video giới thiệu về luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch công ty Luật SBLaw. Trong video luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ về kinh nghiệm hành nghề luật sư và quản trị công ty luật tại Việt Nam, cách thức chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư nước ngoài và sở hữu trí tuệ: