Đối với hợp đồng chỉ định thầu mà quy định mức giá cố định theo khoản 2, điều 62 Luật đấu thầu thì bên B có phải chứng minh, xuất trình hóa đơn đầu vào không?
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 62 Luật đấu thầu 2013 thì “Hợp đồng theo đơn giá cố định là hợp đồng có đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc thực tế được nghiệm thu theo quy định trên cơ sở đơn giá cố định trong hợp đồng.”
Tuy là có đơn giá không đổi nhưng hiện pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định về việc không xuất hóa đơn trong trường hợp này. Vậy nên Bên B vẫn phải chứng minh, xuất trình hóa đơn đầu vào.
Có thực tế là công ty mẹ vẫn yêu cầu công ty con phải xuất trình hóa đơn đầu vào. Vậy điều này có phổ biến không?
Trả lời:
Điều 190 Luật doanh nghiệp 2014 quy định quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con như sau:
“1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.”
Như vậy, có thể thấy các hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng. Do đó, việc công ty mẹ yêu cầu công ty con phải xuất trình hóa đơn đầu vào là khá phổ biến để đảm bảo việc kê khai khoản doanh thu bán hàng, cũng như kiểm soát được hoạt động của công ty con một cách chặt chẽ.
Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đâu để yêu cầu việc xuất hóa đơn đầu vào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC thì Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.
– Căn cứ Thông tư 78/2014/TT-BTC những trường hợp mua hàng không cần hóa đơn (đầu vào) được quy định như sau:
Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
- Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
- Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Như vậy, ngoại trừ các mặt hàng trên và các loại dịch vụ, hàng hóa có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 VNĐ thì đều phải xuất trình được hóa đơn đầu vào.