Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm

0
291

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có bài trả lời phóng viên Phương Dung báo Dân Trí về quan điểm đối với các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Câu hỏi: Theo ông hiện nay chế tài xử lý vi phạm đã đủ mạnh chưa? Ông có cho rằng có phải do xử lý mới chỉ dừng ở mức răn đe nên các vi phạm ngày càng nhiều và mức độ nghiêm trọng càng gia tăng?
Trả lời: Hiện tại, vấn đề xử lý vi phạm đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn và thực phẩm được áp dụng theo các quy định tại các văn bản sau:
– Luật an toàn thực phẩm.
– Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
– Bộ Luật hình sự
Theo các văn bản trên thì Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng.

Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Cũng căn cứ vào Điều 244 của Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mức phạt tối đa là 15 năm tù.

Theo quan điểm của tôi, chế tài xử lý vi phạm đã đủ sức răn đe, tuy nhiên, việc gia tang các vi phạm trong lĩnh vực này là do các bất cập trong quá trình thực thi, có thể là do thiếu phương tiện và nhân lực để có thể thanh tra kiểm tra các đơn vị vi phạm của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của tôi, vấn đề nằm trong ý thức và đạo đức của người kinh doanh, người kinh doanh chủ yếu đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của cộng đồng và nhân dân.

Câu hỏi: Có nên hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực này hay không? Và nếu xử lý hình sự thì những vướng mắc trong luật hiện hành là gì? Cần có sự thay đổi theo hướng nào?
Trả lời: Hiện tại, theo quy định của Bộ luật hình sự, hoàn toàn có thể xử lý hình sự được các hành vi vi phạm về lính vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quy định cụ thể của điều 244 như sau:
Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ đó là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Tuy nhiên, qua phương tiện thông tin đại chúng thì chúng ta thấy là có rất ít vụ việc bị khởi tố, điều tra và xử lý hình sự theo quy định của Điều 244 nêu trên.
Vì vậy, không tạo ra tính răn đe và không nâng cao được ý thức của người kinh doanh trong lĩnh vực này.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tích cực thực thi các biện pháp kiểm tra, thanh tra, nếu vụ việc nào có thể xử lý hình sự được thì cương quyết xử lý.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần xem xét lại việc sửa đổi quy định tại Điều 244 theo hướng sau:
Thứ nhất: Việc phải chứng minh là người phạm tội phải biết rõ đó là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, đây thực sự là điều khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Thứ hai: Theo quy định của Điều luật trên, phải có hậu quả ngay thì mới có thể xử phạt được, tuy nhiên, thực tiễn hiện nay là có nhiều người kinh doanh sử dụng các chất cấm trong thực phẩm, không gây hậu quả ngay mà phải nhiều năm sau mới gây hậu quả qua quá trình tích luỹ, vì vậy, lúc đó rất khó xác định nguyên nhân, cấn sửa đổi quy định này theo hướng chỉ cần có dấu hiệu của hành vi phạm tội là thỏa mãn cấu thành tội phạm chứ không cần phải có hậu quả xảy ra.

Thứ ba: Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng và xử lý hình sự của các quốc gia khác và áp dụng vào tình hình thực tế Việt Nam.

Câu hỏi: Mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát có phát biểu “ngộ độc thực phẩm, phải lăn ra chết mới xử lý được”. Theo anh, đây có phải là một lỗ hổng và cần thiết phải thay đổi?
Trả lời: Như đã phân tích ở trên, nếu việc chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ đó là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dung thì bị xử lý hình sự.
Như vậy là không cần phải tử vong mà chỉ cần gây thiệt hại nghiêm trong cho sức khoẻ thì cũng có thể xử lý hình sự.
Có thể câu nói của Bộ trưởng chưa hết nội hàm của điều luật.