Chỉ dẫn địa lý theo pháp luật quốc tế

0
481

Khái niệm về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã hình thành ở Pháp vào đầu thế kỷ XX, các vấn đề liên quan đến chỉ dẫn nguồn gốc địa lý được xác định theo các thuật ngữ: chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ.

Sau đó, nó được nâng lên tầm quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng châu Âu, và được thừa nhận năm 1994 bởi Hiệp định về những vấn đề liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ (TRIPS).

Hiệp định này thiết lập các tiêu chuẩn để quy định về bảo hộ và thực thi sở hữu trí tuệ quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu đối với chỉ dẫn địa lý.

Nói cách khác chỉ dẫn địa lý là thuật ngữ có nguồn gốc từ hai thuật ngữ chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ hàng hoá. Khi tìm hiểu về chỉ dẫn địa lý trước hết ta tìm hiểu về hai khái niệm chỉ dẫn nguồn gốcvà tên gọi xuất xứ hàng hoá.

 Chỉ dẫn nguồn gốc (Indication of source) là thuật ngữ xuất hiện sớm nhất trong ba thuật ngữ trên. Từ xa xưa, trong giao lưu thương mại, các chủ thể thông qua việc gắn các dấu hiệu trên sản phẩm để phân biệt sản phẩm hàng hoá của mình với các sản phẩm hàng hoá của các chủ thể khác khi đưa chứng lưu thông trên thị trường. Các dấu hiệu này có thể  chỉ đơn thuần mang chức năng xác định người tạo ra sản phẩm đó, có thể bao gồm cả chức năng xác định nơi mà sản phẩm đó tạo ra.

Chỉ dẫn nguồn gốc lần đầu tiên được đề cập đến trong công ước Paris (1883) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhưng công ước này chưa đưa ra khái niệm cũng như các dấu hiệu của chỉ dẫn nguồn gốc. Kế thừa và phát triển công ước Paris, thoả ước Madrid (1891) về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa quốc tế đã quy định về chỉ dẫn nguồn gốc. “Bất kì sản phẩm nào mang chỉ dẫn sai lệch và lừa dối mà qua đó, một trong số các quốc gia thành viên của thoả ước Madrid hoặc một địa diểm tại nước đó được chỉ dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp là nước hoặc địa điểm xuất xứ hàng nhập khẩu vào bất kì quốc gia thành viên nào của thảo ước đều bị tịch thu”. Chỉ dẫn nguồn gốc được quy định trong thoả ước Madrid phải là dấu hiệu chỉ dẫn chính xác về một quốc gia hoặc một địa điểm trong một quốc gia mà tại đó, hàng hoá được tạo ra.

 Tên gọi xuất xứ hàng hoá (Appllations of orgin) thuật ngữ này cũng  xuất hiện lần đâu tiên trong công ước Paris nhưng mãi đến hiệp định Lisbon được kí kết thì khái niệm tên gọi xuất xứ hàng hoá mới được chuẩn hoá. Có thể thấy rằng, Công ước Paris 1883 cũng như Thoả ước Madrid 1891 đều không nhắc tới thuật ngữ chỉ dẫn địa lý mà chỉ nhắc tới hai thuật ngữ chỉ dẫn nguồn gốc (Indication of Source) và tên gọi xuất xứ (Apellations of Origin). Tuy nhiên cả Công ước và Thoả ước kể trên không đưa ra được khái niệm về hai thuật ngữ này mà chỉ nhắc tới chúng với tư cách là đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Đến năm 1958, Thoả ước Lisbon về bảo hộ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ của hàng hoá ra đời đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Theo điều 2, hiệp định Lisbon: “Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên địa lý của nước, khu vực hoặc vùng lảnh thổ dùng để chỉ đẫn cho sản phẩm bắt nguồn từ khu vực đó, có chất lượng hoặc những tính chất đặc thù riêng biệt xuất phát từ môi trường địa lý, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”. Theo thoả ước Lisbon thì tên gọi xuất xứ hàng hoá cần có 4 điều kiện: Thứ nhất là tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên gọi của một khu vực địa lý hoặc một quốc gia cụ thể. Thứ hai là tên gọi xuất xứ hàng hoá phải có chức năng chỉ dẫn về nguồn gốc của hàng hoá. Hay nói ngược lại thì hàng hoá phải được sản xuất ra từ khu vực địa lý hay nước mà nó mang chỉ dẫn xuất xứ. Thứ ba, hàng hoá mang tên gọi xuất xứ hàng hoá phải có chất lượng, tích chất đặc thù riêng biệt. Thứ tư, chất lượng và tính chất đặc thù phải có mối liên hệ với môi trường địa lý.

Ở Việt Nam tên gọi xuất xứ hàng hoá lần đầu tiên được xác định theo pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (1989) và sau đó được đưa vào Điều 786 Bộ luật dân sự 1995. “Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của hàng hoá từ nước, địa phương đó với điều kiện mặt hàng này có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó.”

Theo Bộ luật dân sự năm 1995 thì tên gọi xuất xứ hàng hoá cần có 4 điều kiện: Thứ nhất là tên gọi xuất xứ hàng hoá phải là tên chính thức và đang được sử dụng tại một quốc gia, một địa phương xác định trên bản đồ địa lý. Ví dụ: Năm 2000 INAC( trung tâm bảo hộ rượu vang của Pháp) yêu cầu Việt Nam bảo hộ hai sản phẩm rượu vang Champagne và Cognac. Nhà nước Việt Nam chỉ bảo hộ cho sản phẩm rượu vang Cognac vì Champagne là một địa danh cổ nay không còn một địa phương nào mang tên này Champagne. Thứ hai  hàng hoá mang tên gọi xuất xứ phải có xuất xứ từ nước, địa phương đã được xác định mang tên gọi xuất xứ hàng hoá. Thứ ba, hàng hoá mang tên gọi xuất xứ hàng hoá phải có chất lượng, tích chất đặc thù riêng biệt. Thứ tư, chất lượng và tính chất đặc thù phải có mối liên hệ với môi trường địa lý. Tuy nhiên quy định trong Bộ luật dân sự năm 1995 khác với quy định trong thoả ước Lisbon ở chỗ là mối liên hệ đặc thù với môi trường địa lý. Trong thoả ước Lisbon thì yêu cầu phải có mối liên hệ với cả yếu tố tự nhiên và yếu tố con người còn trong luật dân sự Việt Nam thì chỉ cần có mối liên hệ với yếu tố tự nhiên hoặc yếu tố con người.

 Chỉ dẫn địa lý (geographical indications) thuật ngữ này được quy định tại khoản 1 điều 22 hiệp định TRIPs. “ chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hoá bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý”. Từ định nghĩa trong hiệp định TRIPs ta thấy rằng để được coi là chỉ dẫn địa lý cần có ba điều kiện:

 Thứ nhất là các chỉ dẫn này có thể là dấu hiệu bất kì (từ ngữ, hình ảnh) miễn là qua đó có thể chỉ ra được hàng hoá mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ bắt nguồn từ lãnh thổ của quốc gia nào hoặc thuộc khu vực địa phương nào của lãnh thổ quốc gia đó. Tuy nhiên dấu hiệu trên hàng hoá phải liên quan đến một quốc gia cụ thể hoặc một địa phương khu vực của một quốc gia cụ thể đến mức qua dấu hiệu người tiên dùng biết được hàng hoá bắt nguồn từ đâu.

 Thứ hai, hàng hoá mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc từ quốc gia hoặc từ khu vực, địa phương mà hàng hoá đó được xác định mang chỉ dẫn địa lý.

 Thứ ba hàng hoá mang chỉ dẫn địa lý phải có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do quốc gia hay khu vực địa phương đã được chỉ dẫn là nơi hàng hoá bắt nguồn quy định.

Ở Việt Nam chỉ dẫn địa lý được quy định lần đầu tiên tại nghị định 54/2000/CP-NĐ ( ngày 03 tháng 10 năm 2000) khoản 1, khoản 2 điều 10:

1.  Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá đáp ứng đủ các điều kiện sau đây :

a) Thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia;

 b) Thể hiện trên hàng hoá, bao bì hàng hoá hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hoá nhằm chỉ dẫn rằng hàng hoá nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

 2. Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hoá.”

Như vậy tên gọi xuất xứ hàng hoá chỉ dùng ở Việt Nam từ khi có pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu  công nghiệp (1989) đến khi Luật sở hữu trí tụê có hiệu lực.

Trong khoảng thời gian này, từ khi nghị định 54/2000/CP-NĐ được ban hành và có hiệu lực, khái niệm chỉ dẫn địa lý cũng được sử dụng. Mà chỉ dẫn địa lý có thể là tên gọi xuất xứ hàng hoá mà cũng có thể không và theo quy định của bộ luật dân sự năm 1995 thì tên gọi xuất xứ muốn được bảo hộ thì phải đăng kí còn theo nghị định 54 chỉ dẫn địa lý không cần phải đăng kí.

Có thể thấy trong giai đoạn này các quy định của pháp luật không thống nhất gây nên sự khó phân biệt hai thuật ngữ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hoá .Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã bỏ thuật ngữ tên gọi xuất xứ hàng hoá thống nhất chỉ sử dụng thuật ngữ chỉ dẫn địa lý.

Khái niệm về chỉ dẫn địa lý: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Như ta biết nhãn hiệu hàng hoá có chức năng để phân biệt sản phẩm vì thế các dấu hiệu trong nhãn hiệu hàng hoá rất phong phú đa đạng (từ ngữ, hình ảnh, màu sắc,  bố trí sắp đặt, cảm giác, mùi vị …). Trong khi đó, xuất phát từ đặc trưng của chỉ dẫn địa lý là để chỉ đẫn nguồn gốc của hàng hoá nên dấu hiệu trong chỉ dẫn địa lý phải được nhận biết bằng thị giác (từ ngữ, hình ảnh biểu tượng).