Chiếm hữu tài sản bị chôn giấu có được coi là chiếm hữu tài sản có căn cứ pháp luật không?

0
479

Câu hỏi: Tôi là Hòa. Trong lúc làm vườn tôi có đào được 1 chiếc bát cổ ở sau vườn của nhà tôi và không rõ chủ sở hữu, tôi có nói chuyện với một người bạn thì họ bảo là tôi đang chiếm hữu tài sản trái pháp luật của người khác. Xin hỏi, có phải đang chiếm hữu trái pháp luật tài sản của người khác không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 165. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật

1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.”

Theo quy định của pháp luật thì việc bạn đào được chiếc bát cổ trong vườn của nhà bạn. Tài sản đó là tài sản bị chôn giấu không xác định được chủ sở hữu. Trong trường hợp này thì bạn là người chiếm hữu tài sản có căn cứ pháp luật.

Ngoài ra, Điều 229 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 229. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy

1. Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.”

Theo quy định của pháp luật thì tài sản bạn đào được là một chiếc bát cổ không rõ chủ sở hữu. Vậy quyền sở hữu của chiếc bát cổ được xác định như sau (đã trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản):

–           Tài sản (ở đây là bát cổ) tìm thấy thuộc di tích lịch sử – văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy được hưởng 1 khoản tiền theo quy định của pháp luật;

–           Tài sản tìm thấy không thuộc di tích lịch sử – văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bừng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về Những điểm mới của chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự trong chương trình Bạn và pháp luật, kênh VOV1, Đài tiếng nói Việt Nam.

Mời Quý vị xem nội dung tại đây: