Thẩm quyền và chức năng của lực lượng thi hành kiểm soát sở hữu trí tuệ

0
261

Câu hỏi:  Thẩm quyền, nguyên tắc áp dụng quyền của các lực lượng thực thi khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về sở hữu trí tuệ?

Trả lời: Theo quy định của Luật Thanh tra, Pháp lệnh XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong quá trình tiến hành thanh tra, kiểm soát (thanh tra) về sở hữu công nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền (Đoàn thanh tra) bảo vệ quyền bằng biện pháp hành chính có các quyền chung là:

– Quyền yêu cầu, trưng cầu giám định.

Quyền yêu cầu bao gồm yêu cầu các cơ quan có liên quan đến nội dung thanh tra về sở hữu công nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra, liên quan đến vụ việc vi phạm và xâm phạm quyền.

Quyền yêu cầu còn được áp dụng đối với đối tượng thanh tra, buộc thực hiện các hành động cụ thể theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thanh tra tại cơ sở.

Quyền trưng cầu giám định là quyền của cơ quan bảo vệ quyền bằng biện pháp hành chính yêu cầu tổ chức, giám định viên sở hữu công nghiệp có kết luận về tình trạng pháp lý của các đối tượng sở hữu công nghiệp đang được xem xét, tình trạng tương tự, trùng hoặc vi phạm với phạm vi bảo hộ của các đối tượng sở hữu công nghiệp. Các cơ quan trưng cầu giám định sử dụng kết quả giám định là một trong các căn cứ để kết luận về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

– Quyền kiểm kê, xác minh: Trong quá trình thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền có quyền kiểm kê số lượng hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp nghi ngờ, có quyền tiến hành các biện pháp xác minh các thông tin, số liệu, chứng cứ để tìm ra sự thật, làm cơ sở cho kết luận tình trạng vi phạm, xâm phạm quyền.

– Quyền quyết định, định đoạt: Trong quá trình thanh tra các cơ quan có thẩm quyền có quyền quyết định như quyết định niêm phong, tạm giữ các hàng hoá vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyết định xử phạt và quyết định định đoạt đối với tang vật vi phạm.

– Quyền kết luận, kiến nghị: Khi kết thúc, cơ quan có thẩm quyền có quyền kết luận có hay không hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, kết luận về mức độ vi phạm. Đồng thời đưa ra các kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp nhằm bổ sung, hoàn thiện chính sách, biện pháp, cơ chế quản lý về sở hữu công nghiệp, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền, sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu công nghiệp.

– Quyền chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra: Trong trường hợp hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự (Điều 39, Điều 49 Luật Thanh tra, Điều 22 Nghị định 106/2006/NĐ-CP).

* Nguyên tắc áp dụng quyền: Trong quá trình thực hiện các quyền nói trên, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền phải tuân theo các nguyên tắc khách quan, đúng thẩm quyền, công khai.

* Trình tự áp dụng quyền: Thuyết phục, ấn định yêu cầu và thời gian thực hiện.

* Đối tượng của thanh tra về sở hữu công nghiệp là cơ quan xác lập văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân là chủ văn bằng và các tổ chức, cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài thực hiện các hành vi vi phạm quy định quản lý và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.