Chuyên gia pháp lý nói gì về mở rộng quyền mua nhà cho người nước ngoài

0
236

Trong bài viết Chuyên gia pháp lý nói gì về mở rộng quyền mua nhà cho người nước ngoài của tác giả Phương Vy trên chuyên mục Góc nhìn luật sư trên báo Đời sống pháp luật có nêu ý kiến trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

(ĐSPL) –  Đề xuất mở rộng đối tượng cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đang gây tranh cãi và có nhiều ý kiến trái chiều. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Hãng Luật SBLAW, hãng Luật uy tín hàng đầu tại Việt Nam đã có buổi trao đổi với Báo ĐSPL về vấn đề này.

 

Chuyên gia pháp lý nói gì về mở rộng quyền mua nhà cho người nước ngoài?

                                                           Ls. Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật SBLAW.

Thưa Luật sư, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi thay vì chỉ được sở hữu nhà chung cư trong thời hạn 50 năm, Bộ Xây dựng muốn cá nhân, tổ chức người nước ngoài tới đây sẽ được sở hữu không hạn chế về số lượng và loại hình nhà ở thương mại trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới, dự án bất động sản du lịch. Được biết, một trong những mục tiêu quan trọng của việc nới lỏng này là nhằm tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng tồn kho và tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển trong tương lai. Vậy theo Luật sư, nước ta có nên mở rộng quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài như trên hay không?

L.S Nguyễn Thanh Hà: Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên mở rộng quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam vì những lý do sau:

Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, hiện tại thị trường bất động sản đang “ảm đạm” do chủ đầu tư thiếu vốn triển khai, nếu chúng ta mở rộng quyền của người nước ngoài thì sẽ tạo ra một nguồn vốn mới để làm ấm lại thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đang tiến hành hội nhập vào nền kinh tế thế giới, hiện có hơn 150.000 người nước ngoài vào Việt Nam cư trú và đầu tư, nếu chúng ta mở cửa thị trường, cũng tạo ra một nguồn vốn mới và cũng tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài có chỗ ở khi kinh doanh tại Việt Nam

Việt Nam có hơn 2 triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở nước ngoài, Việt Kiều và người nước ngoài nhiều người đều có mong muốn được sở hữu nhà tại Việt Nam, quy định cho người nước ngoài và Việt Kiều mua nhà sẽ giúp kiều bào hợp pháp hóa những ngôi nhà và mảnh đất mà trước đây họ đã nhờ người thân đứng tên.

PV: Nếu mở rộng có nên có các quy định pháp luật để đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia hay không? Nếu có theo luật sư nên có giải pháp gì?

L.S Nguyễn Thanh Hà: Việt Nam hiện nay vẫn áp dụng quy định quyền sở hữu đất thuộc về toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý, vì vậy, người nước ngoài chỉ được quyền sở hữu tái sản trên đất và quyền sử dụng đất, điều này cũng là cơ chế để đảm bảo tình hình an ninh. 

Bên cạnh đó, chúng ta còn có các quy định về xuất nhập cảnh, quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, quy định về cư trú để quản lý hoạt động của người nước ngoài, vì vậy vấn đề an ninh vẫn được đảm bảo.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định là người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà có thời hạn chứ không phải là sở hữu lâu dài, vì vậy, an ninh quốc gia vẫn được bảo đảm.

Giải pháp để đảm bảo tình hình an ninh trật tự đó là bên cạnh các quy định về quyền sở hữu nhà đất, khi người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng phải tuân thủ những quy định về an ninh trật tự, quốc phòng khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam như: Chỉ được dùng nhà ở vào mục đích để ở, không được dùng để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác; Quản lý, sử dụng, bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng không được làm ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam về việc xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về nhà ở; về việc giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phá dỡ nhà ở; về trưng dụng, trưng mua, mua trước nhà ở;

PV: Việc mở rộng quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có tác động gì đến việc thu hút đầu tư nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam?

L.S Nguyễn Thanh Hà: Việc mở rộng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài tác động trực tiếp đến việc thu hút đầu tư nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam.

Đây là nguồn lực tài chính lớn đổ vào thị trường bất động sản đang đóng băng và thiếu vốn của Việt Nam. Đó là dòng tiền của những người nước ngoài có nhu cầu thực về nhà ở lâu dài của Việt nam. Khi dòng tiền nước ngoài đổ vào bất động sản thì thúc đẩy cả những nghành nghề liên quan phát triển như xây dựng, vật liệu xây dựng…Khi thị trường đầu tư của Việt Nam ấm lên thì lại thu hút các nguồn lực đầu tư khác từ nước ngoài.

Khi chuyên gia nước ngoài được mua nhà thì họ sẽ an tâm làm việc vì đã ôn định cuộc sống ở Việt Nam. Ở Việt nam thường có câu an cư mới lạc nghiệp. Vì vậy sẽ thu hút được các chuyên gia từ nước ngoài về Việt nam hoặc cả các chuyên gia khi hết thời hạn vẫn muốn ở lại Việt Nam sinh sống và làm việc.

PV: Pháp luật của các nước hiện nay quy định về vấn đề này như thế nào, thưa Luật sư? 

L.S Nguyễn Thanh Hà: Chúng ta đã thấy rõ được những lợi ích khổng lồ mang lại cho các nước khi rộng mở chính sách mua và sở hữu nhà ở cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, một vấn đề thì luôn có hai mặt, bên cạnh những ưu điểm và lợi ích việc mở cửa thị trương cũng đã và đang mang lại những thách thức và rủi ro đáng lo ngại. Rủi ro đầu tiên ở đây là nguy cơ thâu tóm thị trường bất động sản của người nước ngoài, thứ hai khi thị trường nóng lên sẽ đẩy giá bất động sản lên cao khiến cho người dân trong nước khó có khả năng mua nhà ở, nạn đầu cơ tích trữ gia tăng… Chính vì thế, các chính phủ đã đưa ra biện pháp thắt chặt vì lo sợ rằng những người mua ngoại quốc lợi dụng lãi suất thấp để thâu tóm bất động sản Châu Á và nâng giá trong quá trình thu mua.

Hồng Kông vừa áp dụng các chính sách tương tự như ở Singapore, bắt buộc người nước ngoài phải trả thuế trước bạ 15% so với giá mua.

Tăng giá bất động sản ở Iskandar, Malaysia đã khiến chính phủ nhà nước Johor Baru đưa ra thông cáo tăng các loại thuế đối với người nước ngoài sở hữu bất động sản trong nước. Người nước ngoài cũng bị hạn chế mua nhà với mức giá ít hơn 500,000 rúp (196,000 đô Sing).

Tại nhiều nước trong khu vực, người nước ngoài không được mua bất động sản nếu như không phải là cư dân.

Ở Trung Quốc, người nước ngoài làm việc và học tập ít nhất một năm tại đây có thể sở hữu một căn nhà mang tên mình.

Cư dân Indonesia vĩnh viễn và tạm thời có thể mua bất động sản thời hạn 25 năm và được làm mới hợp đồng hai lần trong vòng 20 và 25 năm.

Các hạn chế bớt khắt khe hơn ở Thái Lan, người nước ngoài có thể mua được các căn hộ vĩnh viễn và sở hữu lên tới 49% căn nhà. Bất động sản nhà đất có thể được mua lại để cho thuê trong vòng 30 năm với quyền lựa chọn làm mới tên chủ sở hữu trong 2 chu kỳ 30 năm liên tiếp.

Trong khu vực, Singapore áp dụng các chính sách khắc nghiệt. Người nước ngoài có thể mua các căn hộ chung cư tư nhân nhưng phải trả thêm thuế trước bạ 15%.

Chỉ có những cư dân vĩnh viễn có đóng góp cho đất nước mới được cấp phép mua đất. Đó cũng là những bài học quý giá cho Việt Nam trong giai đoạn mở cửa sắp tới.

Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Phương Vy

Nguồn: Bài phỏng vấn trên báo Đời sống và pháp luật