Đã rút đơn ly hôn, nay muốn nộp lại có được không?

0
348

Câu hỏi: Mình ở Hà Nội. Mình lập gia đình cũng đã được gần 5 năm. Hiện tại, 2 vợ chồng mình đang có 1 bé trai gần 3 tuổi nhưng do cuộc sống hôn nhân không được hạnh phúc (chồng mình là người sống vô trách nhiệm với gia đình và vợ con lại hay rượu chè xong về có đánh chửi vợ rất thậm tệ). Không thể chịu đựng được cuộc sống như vậy, mình đã nộp đơn ly hôn nhưng sau 2 lần hòa giải mình đã cho chồng mình 1 cơ hội để suy nghĩ nên mình đã rút đơn kiện. Nhưng chồng mình không thay đổi được nên mình muốn nộp lại đơn ly hôn có được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:

“1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

…………………………………..

c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; …”.

Trường hợp của bạn, sau khi hòa giải mà bạn rút đơn yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Bên cạnh đó, pháp luật quy định khi sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được nộp đơn khởi kiện lại. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

“3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:

………………………………

b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại; …”.

Trong trường hợp này, bạn vẫn có quyền nộp lại đơn yêu cầu giải quyết ly hôn, Tòa vẫn giải quyết việc ly hôn của hai bạn. Khi đó, để được giải quyết ly hôn bạn cần chứng minh chồng bạn có hành vi vi phạm quan hệ hôn nhân, có hành vi bạo lực dẫn đến cuộc sống hôn nhân không thể tiếp tục.

Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được

1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.

3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”.

Như vậy, căn cứ Khoản 4 điều luật nêu trên thì lần nộp đơn thứ hai này có thể được giải quyết nhanh hơn không qua hòa giải nếu bạn đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải.