Dạy thêm ngoài nhà trường

0
458

Câu hỏi:

Em tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiếng anh nhưng không dạy ở bất cứ trường nào, em chỉ dạy nhóm tầm 10 học sinh tại nhà thì có cần xin phép không ạ? Nếu có thì xin ở đâu? Thủ tục thế nào ạ?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trước đây, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo  có quy định chi tiết về điều kiện thủ tục cấp phép dạy thêm, học thêm ngoài các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 26/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố hết hiệu lực các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Lý do hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 3 Điều 74 Luật đầu tư ngày 26/11/2014. Thời điểm hết hiệu lực ngày 01/07/2016.

Như vậy, thứ nhất, sẽ không còn được cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo quy định mới

Theo quy định Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT đưa ra khái niệm là dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học tổ chức dạy; tuy nhiên sẽ không cấp Giấy phép nữa theo quy định mới tại Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT. Quy định về thu và quản lý tiền học thêm ngoài nhà trường tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT vẫn có hiệu lực và được quy định như sau :

“Điều 7: Thu và quản lý tiền học thêm

…………………..

  1. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:
  2. a) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.
  3. b) Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.”

Như vậy, theo quy định mới các hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo sẽ không được cấp giấy phép nữa.

Thứ hai, cách thức mở trung tâm dạy thêm sẽ được quy định như thế nào khi không được cấp phép nữa?

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân có mong muốn và đáp ứng đủ các điều kiện dạy thêm ngoài cơ sở giáo dục đào tạo chỉ cần đăng ký kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh dưới mô hình hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản riêng và trụ sở giao dịch ổn định, được thành lập theo thủ tục pháp luật quy định, lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính hay chức năng nhiệm chính là kinh doanh. Hộ kinh doanh cá thể là cá nhân hoặc hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tiến hành các hoạt động kinh doanh.

Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn cần đăng ký kinh doanh và tổ chức hoạt động dạy thêm dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp.

Về hồ sơ, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh:

– Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện) nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

+ Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

+ Ngành, nghề kinh doanh;

+ Số vốn kinh doanh;

+ Số lao động;

+ Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.

– Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực.

Về hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp:

Cá nhân, tổ chức gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp gồm những giấy tờ sau:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên (Đối với công ty TNHH)

– Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Đối với công ty cổ phần)

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;

+ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên hoặc cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với thành viên hoặc cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

Mặc dù, đã có những quy định nới lỏng hơn với ngành nghề kinh doanh này nhưng các tổ chức, cá nhân kinh doanh trung tâm dạy thêm, học thêm vẫn phải đáp ứng một số các yêu cầu đặc thù riêng biệt như về trình độ đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ của người giáo viên dạy học, quy chuẩn bàn ghế, không gian học thêm, dạy thêm, đảm bảo sự an toàn cho người học và người dạy… Nhà nước sẽ có những chế tài xử lý cụ thể trong các trường hợp trên.