Điều kiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản

0
476

Câu hỏi: Luật sư có thể cho chúng tôi biết về điều kiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản?
Luật sư trả lời: Đối với sản xuất kinh doanh giống thủy sản, chủ doanh nghiệp đâu tư cần lưu ý những điều kiện kinh doanh sau:
Điều kiện đối với sản xuất kinh doanh giống thủy sản
1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư về giống thuỷ sản hoặc Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ về nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
2. Địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch của địa phương hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền;
3. Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có giấy chứng nhận/chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thuỷ sản do cơ quan có chức năng cấp;
4. Có nơi cách ly theo dõi sức khoẻ giống thuỷ sản mới nhập về. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp giống đáp ứng theo QCVN 02-15:2009/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư số 82/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thuỷ sản; đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản sống – điều kiện vệ sinh thú y QCVN 01- 81:2011/BNNPTN ban hành kèm theo Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT .
5. Có bảng hiệu, địa chỉ rõ ràng;
6. Phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thuỷ sản và đảm bảo chất lượng giống thuỷ sản đã công bố; thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT;
7. Thực hiện ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất kinh doanh giống thủy sản, nội dung ghi chép quy định tại mục A, Phụ lục 2 và lưu giữ hồ sơ tối thiểu là ba (03) năm. Đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản đã đăng ký áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương trở lên, thực hiện lập hồ sơ quản lý quá trình sản xuất giống theo tiêu chí quy định của quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và hướng dẫn của tổ chức có thẩm quyền đánh giá, chứng nhận.
8. Có cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp giống: Hệ thống bể, ao ương, dưỡng giống thủy sản; nguồn nước sạch và hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; thiết bị, dụng cụ đảm bảo cho việc ương, dưỡng giống thủy sản.
9. Thực hiện ghi chép hồ sơ theo dõi trong quá trình ương, dưỡng giống thủy sản, nội dung ghi chép quy định tại mục B, Phụ lục 2 và thực hiện lưu giữ hồ sơ tối thiểu là hai (02) năm.
10. Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trở lên.
11. Có đàn giống thủy sản đảm bảo chất lượng: giống thuần chủng hoặc giống đã được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc có phẩm cấp giống là kết quả của đề tài, dự án nghiên cứu/chọn tạo đã được công nhận cấp Bộ hoặc cấp nhà nước.
12. Tổ chức, cá nhân trước khi sản xuất kinh doanh giống thuỷ sản bố mẹ chủ lực phải gửi văn bản thông báo đến Tổng cục Thuỷ sản để tổng hợp, theo dõi và quản lý (theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT).
Điều kiện đối với nuôi trồng thủy sản
1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về nuôi trồng thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
2. Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thuỷ sản phải theo quy hoạch của địa phương.
3. Cơ sở phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật: Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật hiện hành.
Các tiêu chuẩn ngành tại Thông tư số 47/2009/TT-BNNPTNT ngày 31/7/2009 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thủy sản; Thông tư số 82/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thủy sản; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi tôm nước lợ – Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP. Ký hiệu: QCVN 02 – 19 : 2014/BNNPTNT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi cá Tra trong ao – Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Ký hiệu: QCVN 02 – 20 : 2014/BNNPTNT) quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản
Các tiêu chuẩn, quy định hiện hành về bảo vệ môi trường liên quan cơ sở nuôi trồng thủy sản được nêu tại mục 2 Phụ lục 11 của Thông tư 02/2006/TT-BTS.
4. Sử dụng các loại thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam
Điều kiện đối với chế biến thủy sản
1. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1.1. Điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh:
1.1.1 Địa điểm: Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
1.1.2 Nhà xưởng, trang thiết bị
a) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm
b) Trang thiết bị chính: Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
1.1.3 Hệ thống phụ trợ
Hệ thống xử lý chất thải: Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
1.2. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được các cơ quan có chức năng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và cấp xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
1.3. Giấy chứng nhận sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm đã được cơ sở y tế cấp huyện trở lên xác nhận.
1.4. Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm
1.5. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
1.6. Địa điểm xây dựng cơ sở chế biến thuỷ sản phải theo quy hoạch của địa phương.
1.7. Đối với cơ sở chế biến thuỷ sản làm thực phẩm (theo quy định của Bộ Thuỷ sản) xây dựng mới, trước khi đưa vào hoạt động sản xuất 15 ngày, phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm:
1.7.1. Cơ sở chế biến thủy sản phải tuân thủ Quy chế quản lý môi trường cơ sở môi trường cơ sở chế biến thủy sản theo Thông tư số 14/2009/TT-BNN.
1.7.2. Cơ sở chế biến thủy sản xây dựng mới phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó đưa ra các giải pháp xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) phù hợp với các tiêu chuẩn về môi trường và chế độ giám sát môi trường, báo cáo này phải được cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh phê duyệt.
1.7.3. Đối với cơ sở chế biến thủy sản đang hoạt động phải bảo đảm tiêu chuẩn chất thải theo quy định tại các Tiêu chuẩn Việt Nam
1.7.4.Căn cứ kiểm tra, cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là tại Điều 19 Luật An toàn Thực phẩm, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuỷ sản do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm
1.8. Cơ sở chế biến thuỷ sản theo phương thức công nghiệp phải có ít nhất một cán bộ hoặc nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học về một trong các chuyên ngành công nghệ thực phẩm, chế biến thuỷ sản, sinh học, hoá sinh.
Điều kiện đối với kinh doanh nguyên liệu thuỷ sản dùng cho chế biến thực phẩm
1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về sơ chế thủy sản, kinh doanh nguyên liệu thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
2. Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.
3. Nhà xưởng, kho chứa, phương tiện thu mua, bảo quản, vận chuyển thủy sản chuyên dùng phải bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật: Nhà xưởng, kho chứa, các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện thu mua, bảo quản, vận chuyển thủy sản chuyên dùng của cơ sở phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia- QCVN 02-10:2009/BNNPTNT cơ sở thu mua thủy sản – điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP; QCVN 02-09:2009/BNNPTNT kho lạnh thủy sản, được quy định tại Thông tư số 47/2009/TT-BNNPTNT ngày 31/7/2009.
4. Chỉ được sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và phải sử dụng đúng liều lượng, giới hạn theo quy định của pháp luật: Cơ sở kinh doanh, dịch vụ chỉ được phép sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT
5. Cơ sở phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật: Cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo tiêu chuẩn chất thải bảo vệ môi trường theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam số 6.1 Phụ lục 11 của Thông tư 02/2006/TT-BTS; đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y được quy định tại Tiêu chuẩn Ngành số 7.9 Mục 7 Phụ lục 11 của Thông tư 02/2006/TT-BTS.
6. Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều kiện đối với nhập khẩu giống thủy sản
1. Giấy phép nhập khẩu
* Nhập khẩu không phải xin phép:
– Giống thủy sản có tên trong Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (Danh mục nhập khẩu thông thường) hoặc có văn bản công nhận giống thuỷ sản mới, khi nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về Quản lý giống thủy sản.
– Giống thủy sản có tên trong Danh mục giống thuỷ sản nhập khẩu có điều kiện quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại Phụ lục này, khi nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quản lý giống thủy sản.
* Nhập khẩu phải xin phép:
Giống thủy sản chưa có tên trong Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (Danh mục nhập khẩu thông thường) hoặc Danh mục giống thủy sản nhập khẩu có điều kiện quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theoThông tư 04/2015/TT-BNNPTNT hoặc chưa có văn bản công nhận giống thuỷ sản mới, khi nhập khẩu, phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép để khảo nghiệm, nghiên cứu, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm.
Điều kiện đối với nhập khẩu thuỷ sản sống dùng làm thực phẩm
1. Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống
* Nhập khẩu không phải xin phép:
Thủy sản sống dùng làm thực phẩm đã có tên trong Danh mục thủy sản sống dùng làm thực phẩm được phép nhập khẩu thông thường (Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT) khi nhập khẩu thương nhân thực hiện thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan.
* Nhập khẩu phải xin phép:
Thương nhân nhập khẩu các loài thủy sản không có tên trong Danh mục quy định tại Khoản 1Điều 33 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT dùng làm thực phẩm phải được Tổng cục Thủy sản thực hiện đánh giá rủi ro (áp dụng đối với lô hàng nhập khẩu lần đầu), xem xét cấp phép và phê duyệt Kế hoạch quản lý, giám sát lô hàng nhập khẩu.