Doanh nghiệp vẫn “vô tư” dùng căn hộ chung cư làm văn phòng

0
340

Mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích kinh doanh, thương mại nhưng việc sử dụng sai mục đích vẫn diễn ra phổ biến.

Luật Nhà ở 2014 đã quy định: “Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”. Như vậy pháp luật đã phân loại rõ đối với các nhà chung cư bao gồm nhà chung cư có mục đích để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp có nhiều diện tích với mục đích sử dụng khác nhau (văn phòng, siêu thị, làm nhà ở và các mục đích khác).

Điều 6 Luật Nhà ở 2014 đã quy định những trường hợp cấm đối với nhà ở: “Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ”.

Theo đó, quy định tại điểm 7, Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở năm 2014, từ ngày 10/6/2016, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi căn hộ chung cư.

Tuy nhiên thực tế hiện nay lại diễn ra tình trạng tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM có nhiều nhà ở, căn hộ chung cư đã được sử dụng làm văn phòng, trụ sở của các doanh nghiệp…. trong khi những nhà chung cư này là những công trình được xây dựng với mục đích để ở nhằm đáp ứng phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Rõ ràng, việc sử dụng như vậy đã sai về mặt mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật. Điều này cho thấy, có độ chênh khá lớn giữa quy định của Luật Nhà ở và thực tiễn áp dụng pháp luật đối với mục đích sử dụng nhà ở.

Vì sao các doanh nghiệp vẫn bám trụ các chung cư dù bị cấm?

Thứ nhất, hiện nay, quy định pháp luật có “độ chênh” khiến người cho thuê vịn vào đó “lách”. Cụ thể, theo Luật Nhà ở năm 2014, nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình. Nhưng cũng theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, chủ sở hữu nhà ở hợp pháp có toàn bộ các quyền dành cho chủ sở hữu nhà ở và không có quy định về việc hạn chế chủ sở hữu nhà ở chỉ được cho thuê nhà ở với mục đích làm nhà ở. Độ chênh này của Luật Nhà ở năm 2014 khiến cơ quan quản lý khó cấm sử dụng nhà chung cư làm văn phòng khi mà nhu cầu mặt bằng kinh doanh giá rẻ luôn tồn tại.

Thứ hai, khó khăn lớn nhất đối với các công ty nhỏ xuất phát từ thực tế mặt bằng chi phí để thuê văn phòng thường cao hơn so với chung cư. Giá thuê văn phòng hạng thấp nhất hiện nay là cũng có giá hàng tháng khoảng 300 nghìn/m2. Mức giá này cao hơn nhiều so với việc thuê tại các căn hộ chung cư giá khoảng 100 đến 200 nghìn/m2. Ở góc nhìn của các doanh nghiệp nếu pháp luật quy định cấm tất cả như vậy sẽ làm khó cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những người trẻ khởi nghiệp.

Có một số ý kiến cho rằng đối với các doanh nghiệp mới thành lập, quy mô nhỏ, số lượng nhân viên ít, chỉ bằng một gia đình thì cũng nên cho phép được sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng. Bởi với số lượng người như vậy cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của cư dân. Còn với những công ty có số lượng nhân viên bằng hai, ba hộ gia đình thì nên hạn chế.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, sẽ không có một chính sách nào đáp ứng được quyền lợi của tất cả các đối tượng trong xã hội, mà chỉ có thể đảm bảo quyền và lợi ích cho đa số người dân nên việc pháp luật quy định như vậy trước mắt có thể ảnh hưởng tới một bộ phận các doanh nghiệp nhưng xét về lâu dài việc các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật sẽ tạo ra một môi trường an toàn và văn minh hơn.