Đối tượng nhắn tin đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh có thể bị xử lý hình sự?

0
275

Trong bài viết của phóng viên Huệ Linh đăng trên báo An ninh thủ đô điện tử có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW, mời các ban đón đọc tại đây:

ANTD.VN – Liên quan đến sự việc trên, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà– Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, tùy theo nội dung, mục đích, tính chất của tin nhắn, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng.

Nếu có đủ căn cứ xác định đối tượng nhắn tin đe dọa nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 BLHS. Bởi về mặt khách thể, hành vi này xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ.

Về mặt khách quan, đối tượng có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ…Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực. Đối tượng thực hiện hành vi có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Trường hợp nếu việc nhắn tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo đó, người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm  về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo  sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội.

Còn nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ sẽ được thực hiện thì đối tượng thực hiện hành vi có thể  bị  xử lý hình sự về tội  “Đe dọa giết người” theo Điều 103 BLHS. Theo đó, đối tượng nhắn tin đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, có thể bị phạt tù từ 2-7 năm.

Mặt khác, theo Khoản 3 Điều 84 BLHS về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”: Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà đe doạ xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc công dân thì có thể bị phạt tù từ 2-7 năm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn  Thanh Hà, để xác định rõ mục đích của các tin nhắn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Bắc  Ninh, ngoài việc xem xét kỹ nội dung tin nhắn, sự ảnh hưởng về tinh thần, sức khỏe của người nhận được tin nhắn các cơ quan chức năng cần  xác minh thu thập các bằng chứng khác liên quan (như việc quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian qua) để từ đó quyết định có khởi tố vụ án hay không, đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.