Đơn vị kinh tế phụ thuộc là gì và gồm có những tên gọi thông thường nào? Đơn vị kinh tế phụ thuộc có được sử dụng con dấu không ?

0
2190

Đơn vị kinh tế phụ thuộc là cụm từ chỉ các tổ chức kinh tế cấp dưới, hạch toán phụ thuộc vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các giao dịch do đơn vị kinh tế phụ thuộc mình xác lập, thực hiện. Đơn vị kinh tế phụ thuộc có thể hoạt động dưới hình thức đại diện theo uỷ quyền (văn phòng đại diện) hoặc thực hiện một phần hay toàn bộ chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền (chi nhánh). Đơn vị kinh tế phụ thuộc có nhiều tên gọi khác nhau như xí nghiệp, trạm trại, cửa hàng, xưởng, trung tâm¼ về mặt pháp lý đều là chi nhánh của doanh nghiệp. Về đặt địa điểm của các đơn vị kinh tế phụ thuộc tuỳ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp.

Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phải phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp. Văn phòng đại diện không được trực tiếp kinh doanh, không được ký các hợp đồng kinh doanh với dấu của văn phòng đại diện, nhưng vẫn được ký kết các hợp đồng theo sự uỷ quyền của doanh nghiệp; hợp đồng đó sẽ đóng dấu doanh nghiệp.

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Chi nhánh có quyền ký các hợp đồng được doanh nghiệp ủy quyền nhân danh chi nhánh, đóng dấu chi nhánh. Doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch của văn phòng đại diện và chi nhánh.

Việc Luật Doanh nghiệp 2005 quy định rõ về địa điểm kinh doanh là hết sức cần thiết và phù hợp với đòi hỏi từ thực tế. Các doanh nghiệp thường thuê một phòng nhỏ ở các trung tâm thương mại để làm trụ sở chính phục vụ việc giao dịch vì giá thuê tại các trung tâm này thường rất đắt. Nơi bán hàng, xưởng sản xuất, kho bãi doanh nghiệp có thể thuê ở một nơi khác – thậm chí trong khu công nghiệp ngoại thành – nhưng vẫn chịu sự quản lý trực tiếp của doanh nghiệp. Việc quy định rõ về địa điểm kinh doanh sẽ giúp tăng quyền chủ động tổ chức kinh doanh cho doanh nghiệp, tránh việc các cơ quan quản lý thị trường thu giữ hàng hoá khi vận tải trong nội bộ doanh nghiệp từ địa điểm kinh doanh, kho bãi đến trụ sở doanh nghiệp.

Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư: Trẫn Hữu Huỳnh.