Công ty Luật SBLAW có bài viết đóng góp ý kiến cho Bộ luật dân sự trên báo An Ninh Thủ Đô, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
Trong xu thế hội nhập hiện nay, để luật hóa các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều đạo luật, trong đó, đạo luật cơ bản, gốc và có phạm vi điều chỉnh rộng nhất là Bộ luật Dân sự rất được chú trọng. Vì tính phổ cập rộng rãi của đạo luật này mà nhà lập pháp rất chú trọng đến việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân – đối tượng áp dụng của Bộ luật.
Trong thực tiễn hành nghề luật sư, Công ty Luật SB (SBLaw) cũng như cá nhân tôi là Luật sư trực tiếp tham gia tư vấn cũng như bảo vệ trước Tòa án cho quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là đương sự trong các vụ án, vụ việc, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
1. Chế định Hợp đồng:
Thực tiễn áp dụng cho thấy quy định về hợp đồng trong BLDS năm 2005 vừa thừa lại vừa thiếu, khiến việc áp dụng trở nên khó khăn. Cụ thể là có những quy định lại quá cụ thể, có những quy định lại quá chung chung, khiến người soạn thảo khó áp dụng. Trong khi đó, để có hiệu lực thì Bộ luật quy định là hợp đồng phải đáp ứng được những nội dung cơ bản mà Bộ luật quy định.
Vì vậy, tôi kiến nghị rằng Bộ Luật chỉ đề cập đến khung của hợp đồng dân sự nói chung. Phù hợp với lĩnh vực của Luật nào (ví dụ như Luật đất đai, Luật nhà ở, …) thì để Luật đó quy định chi tiết.
2. Quy định về hụi, họ,biêu, phường.
BLDS năm 2005 đã có quy định về vấn đề này, thành mục 4 về Hợp đồng vay tài sản, cụ thể tại:
“Điều 479. Họ, hụi, biêu, phường
1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”.
Thực tế hiện tượng này diễn ra rất rôm rả, thậm chí còn có những ý tưởng đưa hụi, họ lên trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, giống như một hình thức dân gian nhưng không được quản lý chặt bằng khung pháp lý, nên đã xảy ra nhiều vụ “vỡ hụi” khiến nhiều người tham gia đã mất trắng tài sản, người “ôm” hụi bỏ trốn để bị xử lý hình sự về tội lừa đảo.
Trước thực tế đó, tôi kiến nghị nên quy định khung pháp luật cho vấn đề này trong Bộ luật. Đồng thời, cần các văn bản dưới luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, cũng như đảm bảo sự quản lý của các cơ quan chức năng để quy định của pháp luật sống được trên thực tế.
3. Chế định về quyền sở hữu
Theo quy định của pháp luật hiện nay đối với việc sở hữu các tài sản phải đăng ký thì chừng nào bên mua hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với nhà nước mới được thừa nhận quyền sở hữu đầy đủ và trọn vẹn. Quy định đó đã khiến nhiều trường hợp tranh chấp xảy rất khó giải quyết, hoặc thiệt thòi cho bên mua tài sản, vì nghĩa vụ trả tiền thì họ đã thực hiện xong. Cụ thể là trong các giao dịch mua bán nhà, quyền sử dụng đất.
Vì vậy, tôi kiến nghị Bộ luật quy định rõ thời điểm phát sinh quyền sở hữu đối với bên nhận chuyển quyền là khi bên bán đã nhận thanh toán đủ và tài sản đã được bàn giao sang cho bên mua quản lý.
Tôi mong rằng một số ý kiến đóng góp của tôi, cùng với ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia luật, cũng như toàn dân sẽ góp phần hữu ích cho các nhà lập pháp ban hành đạo luật cơ bản phù hợp với thực tế.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty Luật SBLAW