Giải đáp thắc mặc về vấn đề ly hôn vì bạo lực gia đình

0
711

Câu hỏi: 

Chị dâu tôi muốn ly hôn đơn phương với anh trai tôi. Lý do vì anh chị có những cuộc cãi vã chỉ vì áp lực đồng tiền nhưng anh tôi vẫn còn tình cảm rất nhiều với chị dâu tôi. Trong những lần cãi vã, anh tôi có nóng giận đánh chị dâu tôi 2 lần, nhưng không nghiêm trọng, sau đó vợ chồng lại bình thường. Nhưng gần đây 2 anh chị tôi lại cãi nhau và chị dâu kiên quyết ly hôn đơn phương với anh trai tôi.

Tuy nhiên anh tôi còn rất thương chị và 2 anh chị còn đang có đứa con trong bụng chị nữa. Cho tôi hỏi:
– Bây giờ nếu trong phiên hòa giải, chị dâu tôi có nhắc lại việc đã từng bị anh tôi đánh mà không đưa ra bằng chứng mà chỉ nói miệng và anh tôi cũng thừa nhận đã từng có hành vi đó thì liệu Tòa có đồng ý cho chị dâu tôi ly hôn đơn phương không?
– Hay chị ấy phải đưa ra bằng chứng, chứng cứ như giám định thương tật,… thì mới đồng ý cho ly hôn?
Rất mong Các luật sư giải đáp được băn khoăn của tôi.
Tôi xin cảm ơn.
Luật sư trả lời:
Công ty Luật TNHH SBLaw cảm ơn bạn đã quan tâm dến dịch vụ tư vấn của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của chị về việc chứng minh bị bạo lực gia đình khi ly hôn đơn phương, em gửi chị ý kiến tư vấn của em để chị tham khảo ạ:

Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi “hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng” là hành vi bạo lực gia đình.Căn cứ theo Điều luật này, hành vi đánh vợ 2 lần của anh trai chị cũng được coi là bạo lực gia đình.Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn đơn phương như sau:

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Do đó, chị dâu chị hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án xin ly hôn. Nhưng để Tòa án chấp thuận yêu cầu ly hôn thì chị dâu chị phải có căn cứ về việc chồng có hành vi bạo lực gia đình, như: Giấy xác nhận của bệnh viện, cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận tỷ lệ thương tật của bạn sau khi bị chồng đánh; hoặc hình ảnh, video, băng ghi âm, ghi hình; hoặc có anh, chị, em, bố, mẹ, hàng xóm làm chứng; hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc Cơ quan công an có thẩm quyền về hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh”. 

Chị dâu chị không có những căn cứ chứng minh nhưng lại có sự thừa nhận của chính anh trai chị về hành vi đánh vợ (bạo lực gia đình) thì chị dâu chị không cần phải chứng minh mình là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Do đó, trong trường hợp này, khi có yêu cầu đơn phương ly hôn từ người vợ, Tòa án vẫn hoàn toàn có căn cứ để giải quyết và chấp thuận yêu cầu này.