Hành lang pháp lý về Bancassurance

0
746

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về Bancassurance. Dưới đây là nội dung chi tiết :

Bancassurance là mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng. Có thể hiểu là “Phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng”. Sự hợp tác này dựa trên thỏa thuận hai bên cùng có lợi, bên mua bảo hiểm sẽ có thêm kênh phân phối uy tín mới, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến nhiều Khách hàng hơn, còn ngân hàng cũng có thêm nguồn thu từ tiền phí và hoa hồng trên mỗi Khách hàng.

Hệ thống pháp luật Việt Nam tuy đã có những quy định điều chỉnh hoạt động Bancassurance nhưng còn trong giai đoạn “sơ khai”. Các vấn đề cơ bản như Hợp đồng đại lý bảo hiểm giữa Doanh nghiệp Bảo hiểm và Tổ chức tín dụng (Ngân Hàng), chi phí hoa hồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, … được quy định tại các văn bản: Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung 2010); Luật Các tổ chức tín dụng 2010;  Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật kinh doanh bảo hiểm và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật kinh doanh bảo hiểm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2019/NĐ-CP); Thông tư 37/2019/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm; …

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hiện nay đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến để hoàn thiện nhưng câu chuyện được đề cập nhiều gần đây là : Dự thảo Luật vẫn chưa đề cập đến hành lang pháp lý cho hoạt động bancassurance.

Việc bỏ ngỏ các quy định có thể dẫn đến những rủi ro và tranh chấp khó giải quyết giữa các bên. Ví dụ như: Trường hợp nhân viên ngân hàng cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm không đúng, thậm chí tư vấn sai và khách hàng “trót” mua nhầm, sau này không được chi trả bồi thường thì lại đổ lỗi rằng, khách hàng cung cấp thiếu thông tin, hay lập luận là do một số lý do khác dẫn đến bị từ chối bồi thường, trong khi nguyên nhân chính là do nhân viên ngân hàng tư vấn sai? Và nếu xảy ra tranh chấp tại tòa thì lúc này các tổ chức là ngân hàng không được tham gia với tư cách người liên quan, mà chỉ có cá nhân là đại lý (là nhân viên ngân hàng), thì liệu có làm khách hàng thua thiệt? Nếu không điều chỉnh các vấn đề về Bancassurance thì liệu chất lượng đội ngũ tư vấn bảo hiểm ở ngân hàng có đảm bảo?

Thực tế cho thấy, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đang ngày càng phát triển và dần trở thành kênh bán bảo hiểm chủ lực, ước tính từ một số nguồn thống kê thì doanh thu năm 2021 đạt trên 11.000 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh hợp tác ngân hàng – bảo hiểm đã đem lại nguồn thu lớn cho cả hai bên, nhưng đà tăng trưởng nóng của hoạt động này để lại nhiều hệ lụy, dẫn đến các tranh chấp như kể trên là điều dễ hiểu. Do đó, thiết nghĩ, Ban soạn thảo cần phải quy định cụ thể về vấn đề này nhằm bảo vệ người đi vay, đồng thời là người tham gia bảo hiểm.