GÓC NHÌN PHÁP LÝ ĐỐI VỚI MÔ HÌNH KINH DOANH ĐA CẤP BIẾN TƯỚNG

0
439

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm “Góc nhìn pháp lý đối với mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng”. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Hiện nay các công ty đa cấp biến tướng mời gọi khách hàng mua các gói đầu tư với mức lãi suất “khủng”, chỉ cần bỏ tiền và không phải làm gì, khiến nhiều người cảm thấy nghi ngờ về mô hình kinh doanh này.

Cụ thể, với các gói đầu tư theo ngày thì nhà đầu tư sẽ được nhận lãi suất 0,5%/ngày, gói đầu tư theo tháng lãi suất là 10%/tháng, gói đầu tư theo năm lãi suất là 120%/năm; còn gói đầu tư theo chu kỳ lên tới 240%/chu kỳ.

Tuy nhiên, ngay trong hợp đồng của họ với nhà đầu tư, hoàn toàn không đề cập đến phương thức hoàn vốn như thế nào? Cách thức kinh doanh ra sao? Mức lãi suất đưa ra dựa trên tính toán nào? Trong trường hợp không đúng như cam kết thì công ty đa cấp biến tướng đó sẽ bồi thường cho khách hàng như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay, khái niệm “kinh doanh theo phương thức đa cấp” được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, như sau: “hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”.

Kinh doanh theo phương thức đa cấp chính là một hình thức phân phối, bán hàng, cũng như các hình thức bán hàng khác, bán hàng đa cấp tìm cách đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, không phải là một hình thức đầu tư để thu lại lợi nhuận cao và làm giàu nhanh chóng.

Tất cả những doanh nghiệp áp dụng phương thức kinh doanh này mà có biểu hiện như: không nhằm mục đích chính để bán hàng hóa (hoặc hàng hóa chỉ mang tính chất tượng trưng, không có ý nghĩa sử dụng), khuyến khích người tham gia đây là một cách làm giàu từ việc đầu tư tài chính, hàng hóa đều là những doanh nghiệp có xu hướng hoạt động bất chính đi ngược với bản chất của bán hàng đa cấp. Nói cách khác, đây chính là kinh doanh đa cấp biến tướng.

Hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng thường có các biểu hiện như sau:

Thứ nhất, cung cấp thông tin gian dối, sai sự thật về sản phẩm. Đây là dạng vi phạm phổ biến nhất của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính. Để thu hút được người tham gia và mua hàng, các doanh nghiệp có xu hướng nói quá về công dụng sản phẩm về cơ hội làm giàu khi tham gia kinh doanh.

Thứ hai, cung cấp thông tin mập mờ, không rõ ràng về cơ hội kinh doanh. Một hình thức khác của dạng vi phạm này là quảng bá về cơ hội làm giàu nhanh chóng khi tham gia bán hàng đa cấp. Một số doanh nghiệp đã đánh vào lòng tham của người tham gia bằng cách vẽ ra các viễn cảnh giàu sang với thu nhập rất cao, mức lãi suất không tưởng trong khi không hề có phương án kinh doanh cụ thể, phương thức hoàn vốn hay cơ sở tính lãi suất,…

Thứ ba, yêu cầu đặt cọc, nộp tiền tham gia hoặc bắt buộc mua hàng hóa khi tham gia. Các doanh nghiệp bất chính thường tìm cách dụ dỗ, khiến cho người tham gia phải bỏ ra một số tiền ban đầu để gia nhập vào mạng lưới. Sau khi mất tiền để tham gia, người tham gia tiếp tục mời gọi những người khác nộp tiền vào mà không mua bán sản phẩm gì, hoặc có sản phẩm nhưng sản phẩm không có giá trị.

Thứ tư, để người tham gia nhận tiền từ việc tuyển dụng người mới. Trả tiền cho việc tuyển dụng là một trong những dấu hiệu nhận biết căn bản đối với hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Ở những doanh nghiệp này, việc bán hàng không được chú trọng mà chỉ tập trung tuyển dụng, lôi kéo người mới tham gia.

Từ những phân tích trên có thể dễ dàng nhận thấy, công ty mời gọi khách hàng đầu tư như vậy không phải là mô hình kinh doanh đa cấp chính thống mà là mô hình đã bị biến tướng. Bởi vì không có sản phẩm rõ ràng hay cách thức phân phối hàng hóa cụ thể, cũng như không tập trung vào việc bán hàng hóa mà lại tập trung vào “chèo kéo” các nhà đầu tư nhằm huy động vốn với mức lãi suất “khủng”.

Đa cấp biến tướng

Về bản chất việc doanh nghiệp thực hiện huy động vốn chính là việc vay nợ, căn cứ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì mức lãi suất trần được áp dụng là 20%/năm, nên việc các công ty đa cấp biến tướng này hứa hẹn mức lãi suất rất cao, vượt trần như vậy là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc không rõ ràng, mập mờ trong phương thức hoàn vốn, cách thức kinh doanh, cũng như bồi thường trong trường hợp vi phạm hợp đồng chắc chắn sẽ dẫn đến những rủi ro, thiệt hại vô cùng lớn. Vì vậy, các nhà đầu tư cần nâng cao cảnh giác, tránh sa chân vào những cái “bẫy” hấp dẫn như mô hình công ty đa cấp biến tướng này.

Trên đây là một số quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law về vấn đề mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng hiện nay.