HẾT QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ, NHẬP KHẨU SONG SONG VÀ HỢP ĐỒNG ĐỘC QUYỀN PHÂN PHỐI

0
396

SBLAW giới thiệu bài viết HẾT QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ, NHẬP KHẨU SONG SONG VÀ HỢP ĐỒNG ĐỘC QUYỀN PHÂN PHỐI của tác giả Thoa Phạm.

Mời các bạn xem nội dung tại đây:

Pháp luật về nhập khẩu song song khác nhau đối với từng quốc gia khác nhau. Nhập khẩu song song có mối quan hệ chặt chẽ với cơ chế “hết quyền sở hữu trí tuệ” mà từng quốc gia áp dụng.

Hết quyền sở hữu trí tuệ là trạng thái chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không còn quyền phân phối đối với sản phảm khi sản phẩm đó được đưa ra thị trường lần đầu bởi họ hoặc với sự đồng ý của họ. Điều này được hiểu là khi bán sản phẩm, sản phẩm được chuyển giao cho người mua. Người mua có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản này. Người mua có quyền thực hiện các hành vi mong muốn của họ như: tiêu dùng, bán, cho thuê hay phá bỏ sản phẩm.

Trên thế giới hiện tại có 3 cơ chế hết quyền, cụ thể:

Thứ nhất, hết quyền quốc gia:

Với nguyên tắc này, quyền phân phối sản phẩm của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chỉ chấm dứt trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Khi này, chủ sở hữu quyền có quyền ngăn cản nhập khẩu hàng hoá, mặc dù hàng hoá đó do chính họ hoặc người được họ cho phép bán ở nước ngoài. Điều này trao cho chủ sở hữu quyền quyền độc quyền nhập nhẩu hàng hoá đó.

Ví dụ: Công ty Ape sản xuất sản phẩm Ipho và bán tại thị trường Mỹ. Công ty Ape cho phép công ty Singa phân phối sản phẩm Ipho tại thị trường Singapore. Công ty Anpha nhận thấy giá sản phẩm Ipho tại Singapore rẻ hơn tại Mỹ và Canada vì vậy họ mua sản phẩm từ Công ty Singa sau đó nhập khẩu Ipho vào Mỹ và Canada để bán. Nếu ở Mỹ và Canada áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia thì Công ty Ape hoàn toàn có quyền trên cơ sở pháp luật Mỹ và Canada ngăn cấm Công ty Anpha vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Hành vi nhập khẩu của Công ty Anpha gọi là nhập khẩu song song. “Nhập khẩu song song là việc một hay một số thương nhân (Công ty Anpha) mua sản phẩm được phân phối hợp pháp ở quốc gia thứ nhất (Singapore) sau đó nhập khẩu vào quốc gia thứ hai (Mỹ hoặc Canada) để phân phối sản phẩm đó ở thị trường quốc gia thứ hai này, nhưng không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền ở quốc gia thứ hai nhằm tìm kiếm lợi nhuận do chênh lệch giá giữa thị trường quốc gia thứ nhất (giá thấp) và thị trường quốc gia thứ hai (giá cao).”

Theo đó, mọi hành vi của bất kỳ thương nhân nào nhằm cung cấp sản phẩm chính hãng rẻ hơn qua kênh nhập khẩu song song đều bị kiểm soát bởi chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, đối với các quốc gia áp dụng cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ thì mọi hành vi nhập khẩu song song được xem là bất hợp pháp.

Thứ hai, hết quyền khu vực:

Hết quyền khu vực liên quan đến hết quyền trong phạm vi thị trường rộng hơn thị trường quốc gia nhưng lại chỉ giới hạn ở một số quốc gia nhất định. Khi này, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ ở bất kì quốc gia nào trong khu vực không được ngăn cấm lưu thông sản phẩm trong phạm vi khu vực khi những sản phẩm này được đưa ra thị trường bởi họ hoặc được phép của họ. Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu những sản phẩm này từ ngoài vào thị trường khu vực.

Ví dụ: Công ty Ape sản xuất và bán một lô sản phẩm Ipho ở Pháp bởi nhà phân phối là Công ty Fran. Công ty Beta mua Ipho của Công ty Fran tại Pháp và nhập khẩu vào thị trường Đức. Công ty Ape trên cơ sở pháp luật của Đức không có quyền ngăn cấm hoạt động nhập khẩu này của Công ty Beta. Tuy nhiên, Công ty Ape có quyền ngăn cấm Công ty ngăn Anpha nhập khẩu Ipho từ Singapore vào EU.

Đối với trường hợp này, hành vi nhập khẩu song song giữa các quốc gia trong khu vực là hợp pháp nhưng hành vi nhập khẩu song song từ bên ngoài vào khu vực là hành vi bất hợp pháp.

Thứ 3, hết quyền quốc tế:

Tuân theo khái niệm kinh tế là “Không có nhà độc quyền nào được phép thu lợi ích độc quyền hai lần”. Theo đó, hết quyền sở hữu trí tuệ xảy ra khi sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được chính họ hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của họ đưa ra bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Ngược lại với cơ chế hết quyền quốc gia, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không thể dựa vào quyền của mình để ngăn chặn lưu thông hàng hoá trên phạm vi toàn thế giới.

Ví dụ: Công ty Ape sản xuất và bán một lô sản phẩm Ipho ở Việt Nam bởi nhà phân phối Công ty Vina. Khi này, Công ty Mega mua sản phẩm ở bất kỳ thị trường nào trên thế giới đều có thể nhập khẩu về Việt Nam mà không gặp bất cứ sự ngăn cản nào từ Ape. Bởi vì Việt Nam áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế.

Vậy hợp đồng phân phối độc quyền giữa Công ty Ape và Công ty Vina có bị vi phạm điều khoản độc quyền, khi Công ty Mega thoải mái phân phối Ipho chính hãng từ Công ty Singa và Công ty Fran vào thị trường Việt Nam?

Đây là câu hỏi cũng là một bài toán của chính các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong việc mở rộng và đảm bảo quyền độc quyền của mình tại các quốc gia. Câu hỏi và bài toán của Công ty nhận phân phối độc quyền cho việc đàm phán hợp đồng độc quyền liên quan tới vấn đề hết quyền quốc tế, hết quyền khu vực và nhập khẩu song song.

Lưu ý: Công ty Ape là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm Ipho ở tất cả các quốc gia nhập khẩu nêu trên.