Hình phạt đối với nghi phạm cướp ngân hàng BIDV ở Huế

0
429

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã trả lời chương trình Đường tin VOV Giao Thông về vụ cướp Ngân hàng ở Huế

Câu hỏi: Chiều tối 6/12 một kẻ bịt mặt dùng súng xông vào ngân hàng BIDV tại Huế uy hiếp nhân viên cướp đi số tiền 725 triệu đồng chỉ trong vòng 17 giây gây chân động dư luận. Tuy nhiên, Tâm đã bị bắt sau khi gây án được hai tuần. Ngay sau đó, cơ quan công an đã tung toàn bộ lực lượng để truy bắt đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm, 29 tuổi. Trưa 18/12, kẻ dùng súng cướp ngân hàng đã bị bắt. Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và chưa có tiền lệ xét xử tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Vậy, kẻ cướp ngân hàng sẽ đối diện với những tội danh nào, và sẽ có khả năng bị trừng trị như thế nào?

Luật sư trả lời:

Hành vi dùng súng giả đe dọa nhân viên ngân hàng của đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm đã cấu thành tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, cụ thể như sau:

“Điều 133. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

Trong trường hợp này, số tiền mà Nguyễn Hoàng Tâm đã cướp được lên tới 725 triệu đồng do đó theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 133 BLHS thì Tâm sẽ đối mặt với mức án tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên hiện nay, căn cứ vào Nghị quyết số 144/2016/QH13 thì kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016 sẽ thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 quy định:

“Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian

  1. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.”

Cụ thể, Nghị quyết số 01/2016/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 đã quy định:

“Kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015 (ngày công bố Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13), khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội cướp tài sản (Điều 133), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 157), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 194), tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194), tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231), tội chống mệnh lệnh (Điều 316) và tội đầu hàng địch (Điều 322) Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12).

Trường hợp khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm, nếu xét thấy hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng và theo quy định của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) phải xử phạt người phạm tội với mức hình phạt cao nhất là tử hình thì không xử phạt tử hình mà xử phạt người phạm tội hình phạt tù chung thân.”

Như vậy, xét theo những quy định trên thì mức phạt nặng nhất đối với Nguyễn Hoàng Tâm có thể là tù chung thân. Ngoài ra, Tâm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 5 Điều 133 BLHS 1999.