Hoạt động rủi ro rửa tiền qua tài sản ảo

0
328

Thị trường tài chính là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch những loại tài sản có liên quan đến tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay tín phiếu. Trong đó các chủ thể tham gia vào giao dịch trên thị trường tài chính là các hộ gia đình, doanh nghiệp, những tổ chức tài chính trung gian và chính phủ. Họ sẽ thực hiện các hoạt động mua, bán các loại tài sản tài chính, hay còn gọi là hàng hóa của thị trường này. Liên quan đến vấn đề rủi ro rửa tiền qua tài sản ảo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm như sau. Dưới đây là nội dung chi tiết: 

Câu hỏi 1: Luật sư có đánh giá như thế nào về hoạt động giao dịch trong thị trường tài chính hiện nay?

Trả lời:     

      Có thể thấy, sau dịch Covid 19 thì nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng có nhiều biến động. Nền kinh tế Việt Nam đã từng bước thích ứng linh hoạt và hiệu quả sau đại dịch COVID-19 cũng như trước các biến động khôn lường từ tình hình khu vực và thế giới. Tuy nhiên do tình trạng khủng hoảng tài chính chung do đó cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động giao dịch tiền tệ tại Việt Nam. Việc thiếu nguồn vốn cũng như việc giải ngân nguồn tiền của ngân hàng bị kiểm soát do đó nhiều nhà đầu tư lựa chọn những loại tài sản khác như tài sản ảo, tiền ảo… để đầu tư và giao dịch cũng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên tiềm ẩn theo đó là rất nhiều rủi ro mà nhà đầu tư cần đánh đổi khi giao dịch bằng những tài sản ảo này.

Câu hỏi 2: Hiện nay trong thời đại chuyển đổi số thì các loại tài sản ảo, crypto, hay các vật phẩm game NFT của những dự án kém chất lượng đang có nguy cơ rủi ro gì đến hoạt động tài chính? Đâu là nguyên nhân? Liệu các hoạt động liên quan đến tài sản ảo có đang bị các đối tượng vi phạm pháp luật lợi dụng để thực hiện rửa tiền, đầu cơ hay không ?

Trả lời:

       Thời gian qua, theo sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì các loại tài sản ảo, crypto cũng phát triển một cách nhanh chóng. Tuy nhiên do là một loại tài sản mới do đó sự quản lý của nhà nước đối với loại tài sản này vẫn chưa chặt chẽ, do đó có thể gây ra nhiều nguy cơ rủi ro đến hoạt động tài chính.

       Thứ nhất, các giao dịch bằng tiền ảo, tài sản ảo có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.

       Thứ hai, tài sản ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.

       Thứ ba, do giá trị tài sản ảo biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn, nên hoạt động đầu tư vào tài sản ảo ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư. Gây nên sự hỗn loạn trong xã hội, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

       Bên cạnh đó, các giao dịch này không bị chi phối và kiểm soát bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát mức cung tiền. Cùng với đó người sở hữu tài sản ảo sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi, từ đó, sẽ bị những đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng.

Ngày nay có thể thấy hoạt động rửa tiền bằng hình thức online qua các tài sản ảo ngày càng nhiều, do đó gây lên sự bất ổn đến thị trường tài chính. Vậy nên cần có những biện pháp kịp thời và răn đe hơn nữa để hạn chế những hoạt động rửa tiền có thể xảy ra.

Câu hỏi 3: Theo luật sư, những loại hình tài sản ảo có cần 1 khung pháp lý chặt chẽ như các hoạt động tài chính khác để hoạt động minh bạch hơn không? Những loại hình tài sản ảo cần có những điều luật quản lý như thế nào để để vừa tạo thuận lợi, vừa quản lý tốt những loại hình tài sản này?

Trả lời:

Mặc dù những giao dịch liên quan đến tài sản ảo pháp luật Việt Nam không công nhận, tuy nhiên, trên thực tế những giao dịch liên quan đến những tài sản này xảy ra khá phổ biến. Vậy nên việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để giám sát, quản lý những giao dịch này là hết sức cần thiết. Theo đó để có thể quản lý tốt được những giao dịch này thì cần phải có những quy định rõ ràng về: quy định tổ chức nào được phép hoạt động, đăng ký ra sao, phương thức dịch vụ thế nào?… từ đó mới có thể quản lý chặt chẽ những hoạt động giao dịch này, hạn chế tối đa những giao dịch không minh bạch, hoạt động rửa tiền có thể xảy ra. Từ đó cũng là cơ sở căn cứ để giải quyết những hệ lụy phát sinh của tài sản ảo.

Câu hỏi 4: Đâu là giải pháp dành cho các nhà đầu tư khi nắm giữ các loại tài sản ảo? Luật sư có những đề xuất gì cho cơ quan soạn thảo luật liên quan đến các loại tài sản ảo hay không?

Trả lời:

Hiện nay, nhà nước vẫn chưa công nhận những hoạt động liên quan đến tài sản ảo, do đó những nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ đối với những giao dịch liên quan đến những tài sản ảo đó. Vậy nên nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào tài sản ảo này và cũng cần cẩn thận trong những giao dịch bởi đã xảy ra rất nhiều vụ lừa đảo thông qua giao dịch tài sản ảo, không nên hám lợi trước mắt để xảy ra tình trạng tiền mất tật mang.

Tiền ảo là lĩnh vực rất mới và phức tạp nên việc đánh giá đầy đủ và xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tiền ảo là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Hiện tại, tiền ảo đã bắt đầu xâm nhập vào các hoạt động đầu tư, quan hệ dân sự, tác động đến đời sống kinh tế – xã hội của người dân nên đòi hỏi nước ta phải nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật và có những biện pháp quản lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp sinh liên quan đến tiền ảo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người dân và hạn chế các tội phạm liên quan đến tiền ảo. Chúng ta không xa lạ gì với những vụ việc lừa đảo từ những sàn giao dịch tiền ảo và hệ lụy to lớn gây ra cho nhà “đầu tư”. Để góp phần hạn chế những hệ lụy về tiền ảo, tôi đề xuất một số biện pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu, xem xét xây dựng khung pháp lý về đồng tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Trong đó cần quy định rõ việc trao đổi, mua bán, giao dịch đồng tiền ảo giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân và tổ chức; tổ chức với tổ chức nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch tiền ảo.

Thứ hai, xem xét đưa ngành nghề kinh doanh tiền ảo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như có vốn pháp định, ký quỹ, tiền bảo đảm tại ngân hàng tương đương hạn mức tiền ảo được phát hành, giao dịch…) và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động ngành nghề kinh doanh tiền ảo để tránh trường hợp kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng kinh doanh tiền ảo để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Đồng thời, cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và thu thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Đồng thời, có nhiều đối tượng sẽ lợi dụng đồng tiền ảo để tiến hành rửa tiền, lừa đảo nên cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống tội phạm trên không gian mạng.