Khái niệm chung về quyền sở hữu công nghiệp và kiểu dáng công nghiệp

0
480

– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định. Phạm vi của quyền sở hữu công nghiệp gốm các đối tượng mà quyền đó bảo hộ.

Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý (khoản 1, điều 750, Bộ luật dân sự 2005).

Người nào sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của người khác đang trong thời gian bảo hộ mà không xin phép chủ sở hữu các đối tượng này thì bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (trừ các trường hợp có quy định riêng) và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm ba nội dung: Thứ nhất là ban hành các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp; Thứ hai là cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp cho các chủ thể khác nhau khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định (xác lập quyền); Thứ ba là bằng các phương thức, biện pháp khác nhau bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ văn bằng (bảo vệ quyền).

            – Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện… thuộc mọi lĩnh vực, có kết cấu và chức năng nhất định, được sản xuất và lưu thông độc lập.

Kiểu dáng công nghiệp đề cập đến những hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra một hình dáng trang trí bên ngoài cho những hàng hóa được sản xuất hàng loạt, trong phạm vi giá cả có thể chấp nhận được song vẫn thỏa mãn điều kiện là mặt hàng đó phải hấp dẫn người tiêu dùng về thị giác và phải thể hiện một cách hiệu quả chức năng kỹ thuật đã định trước.

Sự hấp dẫn về mặt kiểu dáng là điều cũng đáng quan tâm bởi nó ảnh hưởng tới quyết định của người tiêu dùng, đặc biệt đối với những sản phẩm có cùng chức năng kỹ thuật được bày bán hàng loạt trên thị trường. Trong trường hợp này, nếu tính năng kỹ thuật của các loại sản phẩm do các nhà sản xuất khác nhau tạo ra là tương đương thì sự hấp dẫn về mặt thẩm mỹ cùng với giá cả sẽ quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng. Chính vì thế bảo hộ kiểu dáng công nghiệp về mặt pháp lý là chức năng quan trọng trong việc bảo hộ những yếu tố đặc biệt mà nhờ đó các nhà sản xuất đã gặt hái được thành công trên thương trường. Để làm được điều này, bằng việc trao giải thưởng cho những nỗ lực của người sáng tạo kiểu dáng công nghiệp , bảo hộ về mặt pháp lý đóng vai trò như một sự khích lệ đầu tư các nguồn lực trong việc thúc đẩy sáng tạo các yếu tố kiểu dáng của sản phẩm.