Khi phát hiện sản phẩm dịch vụ của mình có dấu hiệu bị xâm phạm quyền, doanh nghiệp phải làm gì?

0
1260

Trong bài trả lời phỏng vấn Kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời phỏng vấn về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiêu, kiểu dáng và các biện pháp xử lý vi phạm quyền.

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.

Phóng Viên: Thưa ông, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp?

Luật sư trả lời: Đối với doanh nghiệp, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp có nhiều ý nghĩa quan trọng mang tính chất sống còn.

Trước hết, việc đăng ký là cách để doanh nghiệp chủ động bảo vệ các thành quả trí tuệ trong quá trình đầu tư của mình. Khi đã đăng ký thành công, các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư khái thác, sử dụng nhãn hiệu kiểu dáng công nghiệp.

Việc đăng ký thành công nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cũng góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong mắt khách hàng.

Ngoài ra, với các văn bằng bảo hộ trong tay, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể dễ dàng vượt qua các cáo buộc xâm phạm quyền của các chủ thể khác. Các doanh nghiệp sẽ tránh được việc vô tình xâm phạm quyền của các bên thứ ba.

Việc đăng ký còn giúp các doanh nghiệp loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, ngăn chặn việc các đối thủ cạnh tranh sao chép, làm nhái các sản phẩm để cạnh tranh không lành mạnh.

Phóng Viên: Để được cấp văn bằng bảo hộ, Doanh nghiệp phải làm những thủ tục như thế nào?

Luật sư trả lời : Để được cấp văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp phải nộp đơn đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với từng đối tượng cụ thể.

Đối với một số đối tượng đặc biệt như tên thương mại thì sẽ được bảo hộ dựa trên việc sử dụng hợp pháp tên thương mại này.

Còn đối với bí mật kinh doanh thì sẽ được bảo hộ trong trường hợp các doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp bảo vệ đối với các bí mật kinh doanh.

Phóng Viên: Khi phát hiện sản phẩm dịch vụ của mình có dấu hiệu bị xâm phạm quyền, doanh nghiệp phải làm gì?

Luật sư trả lời: Khi phát hiện sản phẩm, dịch vụ của mình có dấu hiệu bị xâm phạm, doanh nghiệp cần phải bình tĩnh và thực hiện các bước sau:

– Xác minh thu thập chứng cứ về hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm, thu thập thông tin về bên bị nghi ngờ;

– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc giám đinh để xác định dấu hiệu bị nghi ngờ có bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp mình hay không?

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu lý và xử lý vụ việc hoặc trực tiếp yêu cầu bên thực hiện hành vi xâm phạm ngừng ngay lập tức các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp.

Phóng Viên: Hiện tượng hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký không phải là không có, nhưng để xác định một nhãn hiệu có bị xâm phạm hay không thì phải căn cứ vào những yếu tố nào thưa ông?

Luật sư trả lời: Thông thường để xác định một nhãn hiệu có bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với một nhãn hiệu khác hay không thì các bên có liên quan cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường dựa vào kết luận giám định của Viện khoa học sở hữu trí tuệ.

Đây là đơn vị trực thuộc bộ Khoa học và công nghệ và là đơn vị duy nhất có chức năng giám đinh sở hữu công nghiệp hiện nay ở nước ta.

Kết luận giám định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để giải quyết các tranh chấp, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Phóng Viên:  Theo ông đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái như hiện nay,  phải chăng do các quy định của pháp luật kể cả luật Sở hữu trí tuệ còn lỏng lẻo,  còn thiếu các chế tài tài xử phạt?

Luật sư trả lời: Hiện tại, có thể khẳng định các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đã khá hoàn thiện và các chế tài xử phạt hoàn toàn đủ tính răn đe đối với các hành vi xâm phạm quyền.

Tuy nhiên, riêng đối với chế tài hình sự hiện nay đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì lại đang gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn rõ ràng thế nào là “Quy mô thương mại” theo quy định tại Điều 170a của Bộ luật hình sự.

Dự thảo bộ luật hình sự sửa đổi đã có một số thay đổi về chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tuy nhiên vẫn sử dụng cụm từ “quy mô thương mại” làm tình tiết định tội.

Tôi cho rằng cơ quan lập pháp cần phải có hướng dẫn cụ thể về cụm từ này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật sau khi bộ luật được ban hành và có hiệu lực nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết (cụm từ “Quy mô thương mại” được nhắc đến tại điều 61, Mục 5, Phần 3 của TRIPS quy định về thủ tục hình sự đối với các hành vi giả mạo nhãn hiệu)