Kinh nghiệm của doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài

0
487

 Trong số các Doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid, không chỉ các Doanh nghiệp lớn với những nhãn hiệu đã được khẳng định vị trí trên thị trường trong nước như: Vinamilk cho sản phẩm sữa, Sài Gòn cho sản phẩm bia, Minh Long cho sản phẩm gốm sứ, Vinataba cho sản phẩm thuốc lá, Kymdan cho sản phẩm đệm mút, Biti”s cho sản phẩm giày, dép, Miliket cho sản phẩm mì tôm, Thiên Long cho các sản phẩm bút, Hồng Hà cho các loại văn phòng phẩm, PetroVietnam cho dầu khí và các dịch vụ liên quan đến dầu khí, Vinacafe cho sản phẩm cà phê, Vinatea cho sản phẩm chè, Traphaco cho các sản phẩm dược… mà còn có những nhãn hiệu dường như chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến như: cà phê Mỹ Lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn(TNHH) Mỹ Lệ (tỉnh Bình Phước), giày dép Tân Tuấn Kiệt của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Tuấn Kiệt (TP. HCM), trà Trâm Anh của Doanh nghiệp Trâm Anh (tỉnh Lâm Đồng), nhãn hiệu Lekima của Doanh Nghiệp tư nhân Hương Nam Phương (TP. HCM).

Một trong những ví dụ điển hình về sự nỗ lực tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế là thương hiệu “Minh Long” của Công ty gốm sứ Minh Long I. Hiện tại, sản phẩm gốm sứ Minh Long không chỉ chinh phục được người tiêu dùng trên thị trường trong mà còn chiếm lĩnh được các thị trường lớn như Pháp, Đức, Thụy sĩ, Anh và Mỹ…Nhận thấy ý nghĩa quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài, ngay từ năm 2000, Công ty Minh Long đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thoả ước Madrid cho các sản phẩm gốm sứ và chỉ định đăng ký tại 16 quốc gia chủ yếu là các nước có nền công nghiệp gốm sứ phát triển của Châu Âu như Pháp, Đức, Cộng hoà Séc, Nga, Hungary… Chính nhờ ý thức tạo dựng và bảo vệ tài sản trí tuệ cũng như sự quyết tâm của DN mà Công ty gốm sứ Minh Long không gặp phải những thua thiệt khi thâm nhập thị trường nước ngoài mặc dù các loại sản phẩm của Công ty là nhóm sản phẩm rất dễ bị làm giả, làm nhái.

Với trường hợp của Minh Long, ta đã thấy được những lợi ích to lớn khi DN kịp thời, nhanh chóng tiến hành bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài. Sự chủ động trong công việc kinh doanh là một nhân tố quan trọng đưa tới thành công của DN này.

Nhưng thực tế tế thì công việc kinh doanh không hề đơn giản. Sự tranh chấp luôn là vấn đề mà hầu như DN nào cũng phảI đối mặt, ngay cả khi bản thân DN là chủ nhân đích thực của nhãn hiệu sản phẩm. Tình trạng tranh chấp dưới hình thức hàng giả, hàng nhái là môt thực trạng không còn xa lạ. Đặc biệt khi nhãn hiệu của sản phẩm bị nhái ở nước nồai thì thật không dễ để DN đòi lại quyền lợi của mình,tránh những hành vi xâm hại tớI uy tín DN. Đứng trước tình hình ấy DN sẽ phải giải quyết như thế nào? Ví dụ về những cố gắng mà chủ DN Kẹo dừa Bến Tre là một ví dụ khá hay cho các DN       học hỏi. Năm 1998, khi đang có doanh số tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc rất cao, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Nguyễn Thị Tỏ (tức Hai Tỏ) bỗng sụt giảm nghiêm trong. Qua dò hỏi bà được biết trên thị trường đang có sản phẩm kẹo dừa giả, nhái kẹo dừa Bến Tre, bà đã quyết định đi Trung Quốc kiện Doanh nghiệp Rừng dừa – DN làm nhái sản phẩm Bến Tre. Tháng 08 năm 2008, bà được biết Công ty TNHH Rừng Dừa đã đăng kí độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc được 8 tháng, chỉ còn ba tháng nữa là được cấp bằng độc quyền. Cùng người phiên dịch, bà đến trình bày sự việc tại Cục Quản lý hành chánh Công thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nêu rõ những thiệt hại về kinh tế và luật pháp mà doanh nghiệp làm giả gây ra tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời đề nghị hai vấn đề: Từ chối cấp nhãn hiệu hàng hóa cho Doanh nghiệp Rừng dừa, dựa trên phân loại nhóm 30 (chủng loại kẹo theo quy định của quốc tế) và phê duyệt cho nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre với hình phân biệt là người đàn bà đeo kính. Tháng 5 năm 1999, tám tháng sau đăng kí, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre được cấp bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời sản phẩm của doanh nghiệp Rừng Dừa được xác nhận là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Bà Tỏ đem giấy tờ chứng nhận đến tận Đảo Hải Nam, nơi Rừng Dừa “đóng đô”, thuyết phục nhờ chính quyền địa phương xử lý toàn bộ số sản phẩm giả.

Theo tình huống trên ta thấy, Bà Tỏ thắng kiện tại Trung Quốc vì đã có được căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định của Điều ước Quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên… Như vậy, điều kiện trước tiên để doanh nghiệp – cá nhân tự bảo vệ, tự áp dụng các biện pháp mà luật cho phép nhằm bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ của mình là phải có sự đăng ký độc quyền nhản hiệu hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp tại cơ quan thẩm quyền.Và hơn nữa là lòng kiên trì bảo về những thành quả mà bản thân đã sáng tạo ra. Không ngại khó, ngại khổ, bình tĩnh, kiên trì đối mặt vớI các tranh chấp, đó là một bài học mà một DN của một người phụ nữ đã dạy cho chúng ta.

Tuy nhiên bên cạnh những thành công có thể đạt được, không ít các DN đã phảo chấp nhận những hậu quả nặng nề từ việc không nhận thức được tầm quan trọng của việc tiến hành bảo hộ nhãn hiệu của mình ở nước ngoài.

Nhãn hiệu VNPT của tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam và bốn nhãn hiệu công ty khác là Viettel, VDC, VTI và Saigon Postel bị đăng ký ở Mỹ vừa được một công ty luật trong nước đòi lại thành công với chi phí thấp.Nửa cuối năm 2002, khi Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) dự định đăng ký bản quyền nhãn hiệu của mình tại Mỹ thì mới té ngửa ra rằng nhãn hiệu đã được một đối tác ở bang Illinois, Mỹ đăng ký trước. Công ty này (tên đầy đủ là Viaworld Internet Telecommunications Corporation – VITC) còn nộp đơn đăng ký tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu của Mỹ (USPTO) cả bốn nhãn hiệu của các công ty bưu chính viễn thông khác gồm Viettel, VDC, VTI và Saigon Postel. Một bản fax của Công ty VITC cho Văn phòng Luật sư Lê & Lê, đại diện của phía VNPT, giải thích rằng họ làm vậy vì “theo pháp luật của Mỹ, VNPT không thể đăng ký bản quyền và nhãn hiệu hàng hóa tại Mỹ cho các tên VNPT,VTI và VDC”.  Trước tình hình,văn phòng luật sư Lê & Lê trong nước đã chứng minh điều này không đúng vì Việt Nam và Mỹ đều là thành viên Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Mỹ và Việt Nam đã có hiệp định thương mại song phương trong đó có phần về quyền sở hữu trí tuệ. “Rất khó tin là luật sư của VITC không hiểu điều này. Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu được động cơ của VITC khi đăng ký”, ông Lê Hoài Dương, Trưởng văn phòng Luật sư Lê & Lê, nhận xét.

Thành lập tại Mỹ, nhưng VITC có nhiều nhân viên người Việt và là công ty đối tác chủ yếu của VNPT tại Mỹ từ năm 1995. Ông Nguyễn Bá Thước, Phó tổng giám đốc VNPT, cho biết hiện tổng công ty đang thương thảo ký hợp đồng với VITC kinh doanh dịch vụ điện thoại Internet (VoIP) tại Mỹ. Một kế hoạch hành động nhanh được vạch ra để đòi lại những nhãn hiệu quan trọng này. Do Công ty VITC mới nộp đơn đăng ký từ tháng 6/2002 nên chưa chính thức được phía Mỹ công nhận. Theo luật của Mỹ, một nhãn hiệu chỉ có thể được đăng ký tại Mỹ khi nhãn hiệu đó đã được sử dụng tại Mỹ cho các sản phẩm và dịch vụ xin đăng ký. Một trong số những ngoại lệ cho quy định này là nhãn xin đăng ký vào Mỹ đã được đăng ký tại nước xuất xứ.

Ngày 24/9/2002, VNPT gấp rút nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Theo quy trình thông thường, thì phải 14 tháng sau nhãn hiệu VNPT mới được chính thức công nhận tại Việt Nam. Nếu vậy, đơn của VITC có thể đã được chấp nhận ở Mỹ và thủ tục đòi lại sẽ rắc rối và tốn kém hơn rất nhiều. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã nhanh chóng hoàn thành thủ tục đăng ký cho VNPT trong vòng ba tháng. Tháng 1/2003, VNPT nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu của Mỹ, xin hưởng quyền ưu tiên của đơn đã được nộp tại Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 7/2003, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu của Mỹ thông báo có thể từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu của VNPT do nhãn này có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã nộp trước của VITC. Sau nhiều lần thúc giục, cuối cùng Công ty VITC đã rút bỏ các đơn đăng ký nhãn hiệu trên của các công ty Việt Nam và VNPT chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ vào tháng 1 năm nay.

Ông Lê Hoài Dương nói điều quan trọng là chi phí cho vụ đòi nhãn hiệu này thấp hơn nhiều so với một số vụ tương tự. Thay vì thuê công ty luật của Mỹ với chi phí vài trăm Đô-la một giờ, Lê & Lê làm hầu hết công việc nghiên cứu, đưa ra giải pháp và soạn thảo văn bản, công ty luật nước ngoài chỉ xem xét lại lần cuối. Nhờ đó chi phí rất ít, chỉ khoảng 8.000 Đô-la trong khi có doanh nghiệp Việt Nam phải chi hàng trăm ngàn Đô-la cho những vụ việc tương tự. Tuy nhiên, đăng ký được nhãn hiệu chưa phải là đã hết. Theo luật của Mỹ, sau năm thứ 5 và năm thứ 9, chủ sở hữu nhãn hiệu phải có thông báo đến USPTO chứng minh rằng nhãn hiệu đang được sử dụng tại Mỹ thì mới được tiếp tục duy trì sở hữu.

Nhãn hiệu với logo hoa sen của Vietnam Airlines đã hết hiệu lực trên website của USPTO từ tháng 3/2005. Vietnam Airlines đăng ký từ năm 1998, và theo phỏng đoán của một số chuyên gia sở hữu trí tuệ, có lẽ Vietnam Airlines đã không kịp thời làm bản thông báo về việc nhãn hiệu được sử dụng tại Mỹ nên bị USPTO hủy quyền sở hữu. Như vậy, nếu có ai nhanh tay đăng ký nhãn hiệu Vietnam Airlines trong thời gian này thì câu chuyện tranh chấp tốn kém sẽ lại diễn ra. Một số nhãn hiệu khác như Ngân hàng Sài gòn Thương Tín cũng trong tình trạng tương tự.

Mặc dù VITC đã rút đơn, nhưng hiện thời VNPT mới chỉ đăng ký hai nhãn hiệu chính của mình tại Mỹ. Còn các công ty con như VDC, VTI thì vẫn chưa đăng ký. Ông Thước nói không muốn đăng ký riêng những nhãn hiệu này vì sợ sẽ làm “loãng” nhãn hiệu VNPT. “Những nhãn hiệu này cần được đăng ký dưới logo VNPT chứ không phải đứng độc lập”, ông Thước nói.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các công ty con của VNPT được cổ phần hóa, thoát khỏi vòng kiểm soát của tổng công ty mẹ nhưng vẫn sử dụng nhãn hiệu VNPT? VNPT đang gấp rút soạn thảo hợp đồng license về sử dụng nhãn hiệu cho 115 đơn vị trực thuộc và đăng ký tại Cục Sở hữu công nghiệp. Một bước lo xa không thừa.

Vậy là ở trường hợp nêu trên, trong số các nguyên nhân dẫn tới sự tranh chấp nêu trên thì điều không thể không nói tới đó là sự thờ ơ của donh nghiệp khi đã không nhận thức được sớm tầm quan trọng của việc tiến hành đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, để đối thủ cạnh tranh mất nhãn hiệu. Thậm chí khi tranh chấp, doanh nghiệp tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc chỉ vì chưa đăng kí bảo hộ nhãn hiệu trong nước. Nếu như DN nhận thức sớm hơn được tầm quan trọng của vấn đề, thì có lẽ đã không phải đứng trước nguy cơ nhãn hiệu của mình bị đánh mất như vậy. Tốn kém thời gian, tài chính, hoạt đông kinh doanh trở nên rối loạn, hoặc trầm trọng hơn là nguy cơ bị mất nhãn hiệu tại trường quốc tế…Trường hợp của Tổng công ty Bưu Chính Viễn thông Việt Nam là một bài học xương máu cho các DN trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Trong khi những DN nhỏ như công ty gốm xứ Minh Long, kẹo dừa Bến Tre đã hết sức lưu ý trong quá trình bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm của mình trong và ngoài nước thì những công ty lớn lại chưa thực sự chú ý tới điều này.Trường hợp Tổng công ty thuốc là vinataba Việt Nam – Tổng công ty sản xuất thuốc lá lớn nhất Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc bảo đăng kí bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm ở nước ngoài.

Nhãn hiệu Vinataba đã xuất hiện ở Việt Nam năm 1985 cùng với sự ra đời của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam. Vinataba được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ năm 1990. Đến năm 2001 Tổng Công ty muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài và bắt đầu đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Tuy nhiên nhãn hiệu Vinataba đã bị công ty Putra Satbat Industry của Indonexia đăng ký tại 13 nước. Trong đó có Lào, Camphuchia, Trung Quốc (thành viên của hệ thống Madrid). Nếu không dành lại được quyền sở hữu nhãn hiệu, Vinataba không thể xuất khẩu sang các nước mà Putra Satbat đã đăng ký, và thuốc lá Vinataba giả có thể thẩm lậu vào Việt Nam qua các nước làng giềng như Lào, Trung Quốc và Camphuchia. Vinataba không chỉ là sản phẩm chủ lực của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam mà còn là sản phẩm chủ lực của ngành thuốc lá Việt Nam. Đến nay sau rất nhiều công sức đấu tranh giành lại nhãn hiệu, mới thành công ở Camphuchia. Để thương hiệu được công nhận tại hai thị trường trên, Vinataba đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để tham gia “cuộc chiến pháp lý”. Tuy nhiên, với những thị trường xa, Vinataba đành phải nhượng quyền sở hữu thương hiệu (do chi phí cho việc giành lại thương hiệu quá tốn kém)

 VINATABA là tập đoàn chủ lực của thuốc lá Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong nền sản xuất thuốc lá trong nước. Nếu như nhãn hiệu bị mất, hàng loạt các vấn đề nảy sinh liên quan tới quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá, hàng lậu tràn lan. Để đòi đựợc nhãn hiệu cũng như thương hiệu sản phẩm bấy lâu gây dựng, doanh nghiệp đã phải chi trả những khoản tiền khổng lồ để chạy đua với “cuộc chiến pháp lý”. Nhưng dù phải chi ra số tiền không nhỏ nhưng cho tới nay,Vinataba mới chỉ được công nhận trở lại ở hai thị trường là Lào và Campuchia. Nếu như DN có bước nhìn xa hơn thì có lẽ những thiệt hại mà DN phải gánh chịu đã không nghiêm trọng đến vậy.

Thương trường như chiến truờng, không thể do dự trong các chiến lựợc kinh doanh có lợi. Tranh chấp là điều khó tránh khỏi, song nếu như Vinataba tiến hành đăng kí nhãn hiệu ở nước ngoài thì dẫu có tranh chấp, thiệt hại của Vinataba cũng không đến mức như những gì đã diễn ra.Vinataba có thể sẽ nhận được sự  hỗ trợ giúp đỡ và những lợi ích nếu như Vinataba đã tiến hành đăng kí bảo hộ nhãn hiệu nước ngoài.

Còn rất nhiều tranh chấp về vấn đề đăng kí bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại nước ngoài mà chúng ta cần lưu ý, chẳn hạn như trường hợp Công ty Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) là chủ sở hữu nhãn hiệu “Vifon và hình chiếc lư” đăng ký bảo hộ tại Việt Nam từ năm 1990. Đến năm 1995 Công ty Vifon nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của mình tại Ba lan và bị từ chối vì lý do phần hình “chiếc lư” tương tự gây nhầm lẫn phần hình “chiếc lư” trong nhãn hiệu “Kim Lan và hình”đăng ký trước cho sản phẩm cùng loại.Sau khi xem xét vụ việc, qua trao đổi với Công ty Vifon, được biết doanh nghiệp Kim Lân, chủ sở hữu nhãn hiệu “Kim Lan và hình” đã có quan hệ làm ăn với Vifon từ trước ngày doanh nghiệp này nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Kim Lan và hình” tại Ba lan. Trên cơ sở đó, sau khi thu thập bằng chứng chứng minh quan hệ giữa Vifon và Kim Lân,Vifon đã yêu cầu đồng nghiệp tại Ba lan nộp đơn yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực phần “hình chiếc lư” trong đăng ký nhãn hiệu “Kim Lan và hình” trên cơ sở quy định tại điều 6septies, Công ước Pari. Đến cuối năm 1998, Cơ quan nhãn hiệu Ba lan sau khi nghe lập luận của luật sư tại Ba lan trình bày đã chấp thuận huỷ bỏ hiệu lực phần hình đó.

Thêm một dẫn chứng về tranh chấp nhãn hiệu “bia Sài gòn” tại  Canada. Năm 1998 Công ty bia Sài gòn nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “Sài gòn Export” vào Canada và bị từ chối vì nhãn hiệu đó đã bị một doanh nghiệp tại Canada đăng ký từ năm 1996. Do vụ việc liên quan đến đang ký nhãn hiệu, theo luật của Canada chỉ có thể được xem xét theo thủ tục tranh tụng tại toà án vói chi phí rất lớn và xét khả năng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này không lớn, Công ty bia Sài gòn đã quyết định ngừng theo đuổi vụ này

Trong trưòng hợp này, vì “chậm chân” nên DN bia Sài Gòn đã bị mất quyền với nhãn hiệu của mình.Và khi tranh chấp diễn ra, vì tốn quá nhiều chi phí nên DN đã không thể tiếp tục kiện tụng đòi lại quyền lợi cho mình. Bia Sài Gòn chấp nhận mất nhãn hiệu, đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh của DN lâm vài khó khăn nghiêm trọng. Thêm một ví dụ cho chúng ta hiểu rõ hơn những thiệt hại mà DN có thể vướng vào nếu không tiến hành đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài.

Cuộc chiến thương hiệu luôn đi kèm với những rắc rối về kiện tụng, mất mát nhiều thời gian và tiền bạc, dù được hay thua cũng đều gây ra những tổn thất rất lớn cho DN.

Nói thêm về trường hợp Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietin Bank) trong tranh chấp nhãn hiệu của mình tại nước ngoài là một ví dụ điển hình. Nhận thức rõ vai trò của thương hiệu nên ngay từ đầu mới thành lập, Vietin Bank đã chú trọng tới việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. Nhưng khi đăng ký bảo hộ thương hiệu  ra quốc tế thì nhãn hiệu “Incombank & hình” đã được một ngân hàng Nga có trụ sở ở Moskva đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid ngày 30/5/1993. Vì thế, Vietin Bank phải xem xét, lựa chọn một thương hiệu mới thay thế và đến nay nhãn hiệu “Vietinbank và Logo” với hàm nghĩa gắn liền với tính tin cậy, chữ tín đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam và  40 quốc gia trên thế giới. Mặc dù Vietin bank đã có giải pháp khắc phục những mất mát to lớn, xong những khó khăn mà DN gặp phải là không nhỏ. Vietin bank đã có được bài học xương máu về sự thiếu nhanh nhạy trong kinh doanh.

            Qua tất cả các trường hợp nêu trên, chúng ta có cái nhìn xác đáng hơn về những thiệt hại to lớn mà bất cứ DN dù lớn hay nhỏ đều có thể gặp phải nếu như không chú ý về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nước ngoài. Tiền bạc, thời gian, công sức, uy tín, hoạt động ổn định của DN….Tất cả sẽ bị tác động tới không nhỏ, đặc biệt với các DN có mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.

Rõ ràng, việc tuân thủ pháp luật – vận dụng đúng các quy định về kinh doanh là một trong những bí quyết để doanh nghiệp tránh rủi ro và gặt hái thành công dù là thị trường trong nước hay ngoài nước . Trở thành Thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tương lai DN Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thương trường thế giới. Do đó, tổ chức-cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhản hiệu, chỉ dẫn địa lý

Như vậy, từ bài học thực tế thành công hay thất bại trong xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá của các doanh nghiệp, có thể khẳng định rằng: Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là công việc mà doanh nghiệp không thể lơ là. Quan tâm bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá là bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá của chính doanh nghiệp.