Kỳ vọng gì từ Luật An ninh mạng?

0
424

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên VOV về Luật An ninh mạng mới được thông qua ngày 12/6/2018. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1-Ý kiến của ông như thế nào khi Luật An ninh mạng đã được Quốc Hội thông qua, với gần 87% phiếu tán thành?

Trả lời:

Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay thì việc bán hàng, dịch vụ phụ thuộc nhiều vào các kênh Online như facebook, zalo, google. Các vấn đề xẩy ra và diễn biến phức tạp như hiện nay như “dự luật cho thuê đất làm đặc khu kinh tế 99 năm”nhiều phần là do thông tin lan truyền trên mạng, nhiều thế lực tung hoả mù khiến dân tình mất kiểm soát.

Với 423/466 đại biểu có mặt tại hồi trường bấm nút tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật an ninh mạng vào lúc 9h57 sáng nay 12-6. Số đại biểu tán thành chiếm 86,86% tổng số đại biểu Quốc hội. Có 15 đại biểu không tán thành (chiếm 3,08%) và 28 đại biểu không biểu quyết (chiếm 5,75%). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2019.

Trước đó, tại Dự thảo có khá nhiều điểm vướng mắc tại các Điều như:

-Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm);

-Điều 15 (Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia);

-Điều 16 (Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế);

-Điều 24 (Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia);

-Điều 29 (Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng) và đặc biệt là Điều 26 (Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng).

Bản dự thảo luật trình Quốc hội thông qua sáng 12/6 đã được chỉnh sửa nhiều điểm so với bản được Quốc hội thảo luận tại đầu kỳ họp. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nhiều nội dung trong dự thảo luật không phù hợp với một số luật đang hiện hành. Đồng thời, không phù hợp với tinh thần của một số hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Ví dụ, quy định các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam. Điều này không có trong quy định, cam kết WTO hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định trong Luật này thì có thể không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa có bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng đủ nhu cầu trong lĩnh vực này.

2-Ở điều kiện thực tế tại nước ta, khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này được xây dựng, theo ông sẽ cần quan tâm đến những vấn đề gì?

Trả lời:

Luật An ninh mạng đã được thông qua, theo tôi, trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này, thiết nghĩ cần quan tâm đến những vấn đề sau:

-Điều 16 Luật này quy định về “Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”. Mặc dù điều luật trên liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ nhưng trong cuộc sống hàng ngày ranh giới đúng, sai nhiều khi rất mong manh. Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Công an? Do đó, thiết nghĩ Nghị định phải quy định cụ thể vấn đề này.

-Nghị định cũng cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng.

-Phải quy định cụ thể thời gian lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra. Đồng thời, Nghị định cũng cần quy định phạm vi doanh nghiệp cụ thể phải áp dụng quy định này, tránh gây cản trở lưu thông dòng chảy dữ liệu, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác.

3-Ông đánh giá như thế nào về khả năng ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh trên không gian mạng, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành?

Trả lời:

Khả năng ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh trên không gian mạng còn phụ thuộc vào việc thực thi và ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước, của các DN trong nước và nước ngoài, cũng như người dân.

Nếu luật này ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của DN và cơ hội tiếp cận thông tin của người dân thì đất nước sẽ tụt hậu, và cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam sẽ trở nên xa vời.