Nhận lời mời của Ban biên tập kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có bài phỏng vấn về mở rộng quyền tự do kinh doanh.
SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Phóng Viên: “Luật doanh nghiệp 2014 mở rộng hơn quyền kinh doanh”. Có thể hiểu câu này như thế nào?
Luật sư trả lời: Ngày 1/7/2015, Luật Doanh Nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 sẽ có hiệu lực, thay thế cho Luật Doanh Nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2005. Tinh thần toát lên hai luật mới này là sự thừa nhận và tôn trọng quyền tự do kinh doanh, trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp.
Quyền tự do kinh doanh là một quyền cơ bản đã được Hiến pháp ghi nhận. Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu Tư là hai trong số các Luật chuyên ngành cụ thể hóa quyền cơ bản ấy.
Chỉ riêng trong Luật Doanh Nghiệp 2014, quyền tự do kinh doanh đã được luật hóa như sau:
– Ngành nghề cấm kinh doanh: Điều cấm đã được nói rõ. Điều 7 quy định rõ: doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”.
– Luật Đầu Tư cụ thể hóa giới hạn cấm tại Điều 6: cấm đầu tư kinh doanh trong 6 ngành nghề sau: kinh doanh ma túy; kinh doanh hóa chất, khoáng vật cấm; kinh doanh động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người và các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Để làm rõ hơn giới hạn cấm này, trong phụ lục 1 và 2, Luật ĐT 2014 còn liệt kê chi tiết danh mục chất ma túy, danh mục động, thực vật, khoáng vật cấm kinh doanh đầu tư.
– Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh: Không cần ghi ngành nghề. Trong Luật DN 2014, ngành nghề kinh doanh không còn là một nội dung trong GCNĐKDN nữa. Theo điều 29 của luật mới này, GCNĐKDN sẽ chỉ còn bốn nội dung: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; thông tin về người đại diện theo pháp luật và thành viên công ty; và vốn điều lệ.
– Con dấu: sự cởi trói cần thiết trong môi trường kỹ thuật số. Theo điều 44, Luật DN 2014, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu cũng như việc quản lý, sử dụng và lưu giữ nó.
– Người đại diện theo pháp luật: LDN 2014 có khá nhiều thay đổi về mặt quản trị công ty, trong đó có thay đổi về người đại diện theo pháp luật. Luật lần này cho phép các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ được quy định trong điều lệ công ty (điều 13)
Với những đổi mới điển hình đó, Luật DN 2014 đã mở rộng quyền tự do cho các thể nhân và pháp nhân.
Phóng Viên: Ý nghĩa của việc “mở rộng hơn quyền kinh doanh” ở Luật DN 2014? (đối với nhà nước, cơ quan chức năng có liên quan, và cộng đồng doanh nghiệp)
(–> Liên hệ đến những luật trước đây, khi quyền tự do kinh doanh chưa được xác lập đầy đủ –> Nhà nước và doanh nghiệp thiệt hại như thế nào? VD: mất cơ hội đầu tư làm giàu chính đáng, nhà nước mất nguồn thu, v..v..)
Luật sư trả lời:
Ý nghĩa của việc mở rộng hơn quyền tự do kinh doanh ở Luật DN 2014 được thể hiện không chỉ đối với nhà nước thông qua các cơ quan quản lý, mà còn đối với cả cộng đồng doanh nghiệp.
– Thứ nhất, Luật DN 2014 đã hiện thực hóa một cách đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc đã được Hiến định: người dân được tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Theo Luật DN 2005 thì doanh nghiệp được quyền tự do đăng ký ngành, nghề kinh doanh và ngành nghề kinh doanh do doanh nghiệp đăng ký sẽ được ghi nhận đầy đủ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi kinh doanh, doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh. Xét về thực chất, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề đã đăng ký. Nếu doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề không ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì hoạt động kinh doanh đó bị coi là bất hợp pháp. Chính vì vậy, trên thực tế doanh nghiệp thường có xu hướng đăng ký dự phòng ngành nghề kinh doanh, tức là đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, từ vài chục đến hàng trăm ngành nghề khác nhau, nhưng thực tế chỉ kinh doanh 1 hoặc một số ngành nghề. Thực tế này đã dẫn đến nhiều hệ quả bất lợi, như: những sai lệch về số liệu thống kê và ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro pháp lý trong kinh doanh, không tận dụng được hoặc chậm chễ trong tận dụng cơ hội kinh doanh thông thường.
Đến Luật DN 2014, doanh nghiệp sẽ chủ động và tận dụng tốt hơn mọi cơ hội kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Thay đổi nói trên của Luật Doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý, giảm chi phí giao dịch, tăng độ an toàn và tính chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp trong kinh doanh; qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng hết tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển.
– Thứ ba, thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; tạo thuận lợi và huy động các bên có liên quan tham gia vào giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
Luật đã quy định phương thức quản lý nhà nước mới, hiện đại phù hợp với sự phát triển ngày càng mở rộng của nền kinh tế. Các nguyên tắc về quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp được cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp theo nguyên tắc Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nhưng Nhà nước không phải là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát hoạt động doanh nghiệp mà chính các bên có liên quan, như cổ đông, bạn hàng, khách hàng,… cũng phải tích cực, chủ động tham gia vào giám sát doanh nghiệp vì lợi ích của chính mình.
Cụ thể hóa nguyên tắc này, Luật Doanh nghiệp đã bổ sung quy định cụ thể như sau:
- Bổ sung quy định tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật và công khai về hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, gọi là Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Nhà nước tạo thuận lợi để các bên có liên quan tham gia giám sát doanh nghiệp thông qua việc cung cấp một cách dễ dàng, nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp cho các bên có liên quan khi được yêu cầu.
- Sửa đổi các quy định nhằm nâng cao mức độ minh bạch hóa và công khai hóa về quản trị và hoạt động của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các cổ đông, thành viên công ty tham gia giám sát trong nội bộ doanh nghiệp.
Những thay đổi quan trọng này của Luật Doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ tinh thần Nhà nước ban hành luật nhằm kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chính doanh nghiệp và nhà đầu tư, cổ đông phải chủ động và tham gia tích cực vào quá trình giám sát lẫn nhau, giám sát hoạt động doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Với những cải cách có tính đột phá của Luật DN 2014, nhiều thủ tục hành chính của nhà nước đối với doanh nghiệp cũng giảm đi đáng kể, nhà nước thực hiện đúng vai trò hậu kiểm đối với doanh nghiệp. Còn với nhà đầu tư, thì doanh nghiệp là một công cụ hợp lý và hiệu quả để thực hiện mơ ước của chủ đầu tư.
Phóng Viên: Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi như thế nào với những đổi mới trong quyền kinh doanh, thay đổi ngành nghề kinh doanh, việc gia nhập thị trường?
Luật sư trả lời:
– Với quy định mở toang về quyền tự do kinh doanh và chỉ bị cấm kinh doanh những gì pháp luật cấm, hơn thế Luật đầu tư còn ban hành cụ thể danh mục những hàng hóa và dịch vụ bị cấm kinh doanh, thì lượng nhà đầu tư gia nhập thị trường chắc chắn phải tăng lên. Nhà đầu tư thực sự được sử dụng doanh nghiệp là 1 công cụ hữu hiệu để thực hiện kênh đầu tư của mình.
– Với quy định mới về đăng ký kinh doanh thì không còn phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh khi muốn bổ sung hay loại bỏ bớt các ngành nghề đã đăng ký. Việc này là một cái lợi được lớn của doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp bớt thời gian vào các thủ tục không cần thiết, và tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh.
– Hay như với quy định về con dấu và người đại diện theo pháp luật theo hướng rất thông và thoáng, cho doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn cũng như chịu trách nhiệm về chính hành vi của mình, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn rất nhiều trong hoạt động quản lý, cũng như bớt hẳn thời gian vào những thủ tục hành chính mà đôi khi bị gây khó khăn bởi các cơ quan có liên quan.
Phóng Viên: Luật sư có lưu ý gì với các DN trong việc chuẩn bị thành lập DN ở giai đoạn từ 1/7 trở đi: cần chuẩn bị những gì? Có thể lưu ý những thuận lợi và khó khăn mà có thể DN sẽ vướng phải?
Luật sư trả lời:
Từ ngày 1/7/2015, Luật DN 2014 và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Nghĩa là mọi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp kể từ ngày 1/7 này sẽ chịu sự điều chỉnh và phải tuân theo các quy định của Luật DN 2014 và Luật ĐT 2014.
Điều mà nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ là hãy đọc và cần có luật sư để tham vấn cho hiểu hết các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư theo luật mới.
Về mặt nội dung thì Luật DN 2014 và Luật ĐT 2014 đều rất thông thoáng, cởi mở và đơn giản.
Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp sẽ vướng phải khó khăn ở phần thủ tục thực hiện. Vì thông lệ thì bao giờ Luật xong cũng cần có nghị định hướng dẫn, có nghị định rồi lại phải có thông tư của bộ chủ quản.
Nên nếu, đến ngày đến tháng luật có hiệu lực mà các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được công bố thì quyền của doanh nghiêp cũng sẽ bị chậm thực hiện. Đây là một trong số các khó khăn về mặt thủ tục mà doanh nghiệp/nhà đầu tư cần lưu ý để chủ động trong hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Mời Quý vị xem thêm nội dung tư vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà về doanh nghiệp tại đây: