Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn về vấn đề Bảo hiểm xã hội

0
565

Nhận lời mời của ban biên tập kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tich công ty Luật SBLAW đã có buổi trả lời phỏng vấn truyền hình về nội dung của CV4409/BHXH.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Câu 1: Thưa ông, ngày 06/11/2013, BHXH Việt Nam đã ký công văn 4409/BHXH-CSXH hướng dẫn giải quyết hưởng một số chế độ BHXH kể từ ngày 1.7.2013, trong đó, phần II của công văn ghi: “Từ 1.7.2013 trở đi, những trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng mức lương cơ sở quy định tại NĐ 66/2013/NĐ-CP, thì khi tính hưởng các chế độ BHXH liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tạm thời thực hiện theo quy định trước đây (tính mức hưởng theo tiền lương tối thiểu chung 1.050.000 đồng/tháng) cho đến khi có hướng dẫn của Bộ LĐTBXH và các cơ quan có thẩm quyền. BHXH VN sẽ hướng dẫn để BHXH tỉnh, thành phố thực hiện”. Và ND này đang làm cho người lao động hưởng chế độ BHXH bị ảnh hưởng. Ông (bà) có thể lý giải về điều này?

Trả lời: Cảm ơn bạn, với tình huống này, tôi lý giải như sau:

Thứ nhất, tôi giải thích cụ thể về quy định này được hiểu như sau:

– Mức lương cơ sở nêu tại NĐ 66/2013 là 1.150.000 đồng/tháng, tức là người lao động nộp BHXH tính trên mức lương 1.150.000 đồng/tháng. NĐ 66 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2013 và cho phép tính các chế độ BHXH dựa trên mức lương 1.150.000 đồng từ 1/7/2013.

– Tuy nhiên, Công văn số 4409 của BHXH Việt Nam lại hướng dẫn cho BHXH cấp dưới chỉ chi trả các chế độ BHXH mức tiền lương là 1.050.000 đồng/tháng. Quy định này được áp dụng từ ngày 1/7/2013 cho đến khi Bộ LĐTBXH và các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể. Mà đến nay thì Bộ LĐ vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể.

Thứ hai, Tôi đánh giá rằng Quy định này gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động có đóng BHXH ở chỗ: NĐ 66 thì cho phép dùng mức lương 1.150.000 đồng/tháng để làm căn cứ tính các chế độ BHXH từ 1/7/2013 nhưng đến ngày 6/11/2013, tức là 4 tháng sau đó, BHXH Việt Nam lại ra văn bản có hiệu lực hồi tố – áp dụng từ 1/7/2013 chỉ chi trả cho người lao động các chế độ BHXH trên tiền lương là 1.050.000 đồng/tháng. Như vậy, thiệt thòi cụ thể của người lao động là đóng BHXH trên 1.150.000 đồng nhưng lại chỉ được hưởng chế độ tính trên 1.050.000 đồng/tháng – thiệt thòi được tính trên 100.000 đồng/tháng mà người lao động phải đóng nhưng lại không được hưởng chế độ. Quy định này đi ngược với nguyên tắc chi trả của BHXH là đóng bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu. Tiền lương đóng BHXH là căn cứ để chi trả các chế độ BHXH – nguyên tắc của BHXH đã được thực hiện trong nhiều năm qua.

Thứ ba, Công văn nêu trên của BHXH Việt Nam đã gây xáo trộn, thậm chí gây ách tắc trong việc BHXH các cấp và Doanh nghiệp phối hợp để chi trả quyền lợi cho người lao động. Tôi lấy 1 ví dụ mà nhiều ngày nay nhiều cơ quan thông tin cũng đã đưa tin – Một ví dụ cụ thể về việc gây khó cho cả DN và cơ quan BHXH địa phương là ở Tổng Cty CP May Nhà Bè và BHXH Quận 7 TPHCM là: Trong quý III/2013, tổng số tiền BHXH mà một số người lao động của Công ty này được hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe là hơn 1 tỷ đồng. Số tiền BHXH này đã được BHXH Quận 7 tính trên mức tiền lương mà NĐ 66 hướng dẫn là 1.150.000 đồng. Thực tế, từ nguồn kinh phí 2% Quỹ BHXH để lại DN, Tổng Cty May Nhà Bè đã chi trả trước cho NLĐ 563,3 triệu đồng. Số còn lại, tổng Cty đề nghị BHXH Q.7 phải trả 548,9 triệu đồng, nhưng bị “giam” lại. Lý do là các số tiền trên đều được tính dựa trên mức lương cơ sở 1.150.000 đồng. Nay do hướng dẫn tại công văn 4409, thì chỉ được tính dựa trên mức lương 1.050.000 đồng và phải “hồi tố”.

Như vậy, từ hướng dẫn của Công văn của BHXH Việt Nam hàng loạt các vụ “đòi nợ” sẽ phát sinh: BHXH đòi DN, DN phải đòi lại từng NLĐ. Nếu không thì cũng sẽ bị ách tắc lại như trường hợp nêu trên của Tổng Công ty May Nhà Bè và BHXH Quận 7. Hơn thế, các cán bộ nhân sự của các công ty cũng phải thêm việc để thực hiện là giải quyết các khiếu nại, thậm chí khiếu kiện của người lao động khi chế độ của họ bị ảnh hưởng.

Thứ ba, tôi cho rằng BHXH Việt Nam chỉ là một cơ quan sự nghiệp, không thuộc các chủ thể được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành các văn bản pháp luật. Bản thân Công văn không phải là một văn bản quy phạm pháp luật để được áp dụng phổ biến trên diện rộng, mà trong trường hợp này là áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Không những thế, nội dung hướng dẫn của Công văn này cũng không phù hợp với NĐ 66 đã ban hành. Từ hiện tượng Công văn này của BHXH Việt Nam cho thấy thực tế hiện nay tại Việt Nam các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp nghị định trở lên gần như không được thực hiện cho đến trước khi có hướng dẫn của các Bộ ngành chủ quản dưới hình thức thông tư, hoặc thậm chí là công văn. Thực tế này cho thấy Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã không được thực hiện trọn vẹn.
Câu 2: Theo quy định tại NĐ 66/2013/NĐ-CP, từ 1.7.2013, tiền lương cơ sở (trước đây vẫn gọi là lương tối thiểu chung) là 1.150.000 đồng/tháng. Theo đó, các DN chi trả lương theo thang, bảng lương nhà nước sẽ dựa trên mức lương cơ sở này để đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, trên thực tế người LĐ chỉ được chi trả chế độ BHXH dựa trên mức lương 1.050.000 đồng. Vậy do đâu mà dẫn đến sự không thống nhất này? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước việc người dân hưởng thiếu chế độ. Sẽ xử lý số tiền này như thế nào?

Trả lời:

Sự không thống nhất này là do hướng dẫn của Công văn số 4409 ngày 6/11/2013 của BHXH Việt Nam gây ra. Người phải chịu trách nhiệm trước việc để người dân hưởng thiếu chế độ, theo tôi là BHXH Việt Nam mà cụ thể là người đại diện theo pháp luật của BHXH Việt Nam. Số tiền chênh lệch giữa tiền đóng bảo hiểm với tiền chi trả cho người lao động, theo tôi hiểu về nguyên tắc quản lý tài chính thông thường thì BHXH cấp quận sẽ phải hạch toán độc lập theo đúng nguyên tắc là thu bao nhiêu chi bấy nhiêu, nghĩa là hạch toán chế độ tính trên mức lương đã được NĐ 66 quy định là 1.150.000 đồng/tháng, sau đó lại tính 1 cấp khác là 1.050.000 đồng/tháng. Số tiền chênh lệch dư ra thì BHXH các cấp sẽ giữ lại, lưu ở 1 khoản mục cá biệt trong quỹ tài chính và sẽ xử lý sau khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐTBXH như trong Công văn số 4409 của BHXH Việt Nam đã nêu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi với PV
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi với PV

Câu 3: Tôi lấy 1 VD cụ thể: “Cuối tháng 6/2014, sau hơn 30 năm làm việc, chị A nghỉ hưu và được hưởng trợ cấp hưu trí hằng tháng là hơn 3,97 triệu đồng. Mức trợ cấp này được tính trên mức lương cơ sở là 1.050.000 đồng, thay vì 1.150.000 đồng. Như vậy, tính ra mỗi tháng chị A bị thiệt gần 400.000 đồng. Vậy theo luật bảo hiểm hiện hành và Bộ luật của LĐ thương binh và xã hội xẽ áp dụng và giải quyết như thế nào với trường hợp này?

Trả lời:

Theo tôi hiểu thì như trong Công văn số 4409 của BHXH Việt Nam, cơ quan này viết rõ quy định là quy định này chỉ áp dụng tạm thời cho đến khi Bộ LĐTBXH có hướng dẫn cụ thể. Như vậy, số tiền mà người lao động bị nhận thiếu so với quyền lợi lẽ ra họ được nhận sẽ được găm lại. Đến khi Bộ LĐTBXH có hướng dẫn cụ thể thì tùy thuộc vào hướng dẫn đó – mà cụ thể là cho phép chi tiếp thì BHXH cấp dưới sẽ chi bổ sung cho người lao động.

Theo tôi đánh giá thì “cơm không ăn, gạo còn đó” nhưng việc Bộ LĐ không có hướng dẫn kịp thời, lại để cho BHXH Việt Nam tự đưa ra cho mình phương án an toàn nhất trong quản lý bảo hiểm mà gây thiệt thòi cho người lao động, gây bức xúc cho người lao động, gây khó khăn, cản trở cho các doanh nghiệp và BHXH cấp quận trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp là hiện tượng nên tránh xảy ra. Vì hậu quả là quá lớn, sau này BHXH có chi trả nốt quyền lợi cho người lao động thì sẽ rất mất thời gian, thủ tục và nhân lực để thực hiện.