1. Thưa Ông, có thể nói đợt dịch lần thứ 4 lần này là đợt dịch diễn biến phức tạp nhất trong 2 năm qua. Chính vì vậy mà công tác kiểm soát vi phạm phòng chống dịch bệnh cũng diễn ra mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, có thể nói trong thời gian vừa qua, việc vi phạm phòng chống dịch diễn ra vẫn hết sức thường xuyên như: chống người thi hành công vụ hay không thực hiện chỉ thị giãn cách…. Ông đánh giá như thế nào về việc người dân cố tình vi phạm pháp luật về phòng chống dịch?
Trả lời:
Liên tiếp những ngày qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra trường hợp các cá nhân “thông chốt” kiểm soát dịch COVID-19 bằng cách tấn công các cán bộ đang thực thi công vụ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho những người đang thi hành nhiệm vụ mà còn thể hiện rất rõ bản tính côn đồ của một số các đối tượng. Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, các cấp, các ngành và toàn xã hội đang chung tay, góp sức vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thì những hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ để “thông chốt” là điều không thể chấp nhận được, kể cả dưới khía cạnh đạo đức và luật pháp. Những hành động nàycần phải được xem là việc chống đối xã hội, coi thường pháp luật chứ không đơn thuần chỉ là sự phản kháng yêu cầu của lực lượng chức năng.
2. Ông đánh giá như thế nào về các mức xử phạt hiện nay đối với các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch?
Trả lời:
Việc xử lý các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch hiện nay sẽ được thực hiện căn cứ chủ yếu theo những văn bản pháp luật sau: (i) Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007; (ii) Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch; (iii) Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; (iv) Bộ Luật hình sự năm 2015; (v) Công văn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, …
Những hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch phổ biến có thể được kể đến như sau:
– Hành vi đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid -19 : Có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức). Trong trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015;
– Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh Covid-19: Có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, Trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015;
– Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế”. Trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015;
– Hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khấn cấp dịch bệnh Covid-19: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức).
Theo đó, việc vi phạm công tác phòng chống dịch Covid có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Xét về mặt lý thuyết, chế tài nào cũng là để răn đe, phòng ngừa, kể cả phạt tiền hay xử lý hình sự. Song, thực tế cho thấy chế tài xử phạt hành chính đối với một số đối tượng gần như là vô tác dụng, nên cần phải áp dụng biện pháp mạnh hơn như tịch thu xe, hay xử lý hình sự. Chỉ có như vậy mới khiến họ biết sợ mà từ bỏ thói côn đồ. Tuy nhiên, tính đến nay, các hành vi chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh chủ yếu là xử phạt hành chính. Những vụ bị khởi tố, bắt giam về hành vi không chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19, cố tình “thông chốt” khi có hiệu lệnh dừng xe kiểm tra giấy tờ, lớn tiếng la lối ăn vạ, thậm chí tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch… còn quá ít nên chưa khiến những kẻ manh động khác lấy đó làm gương.
3. Thực tế hiện nay, tình trạng phạt cứ phạt, vi phạm gì cứ vi phạm dù việc tuyên truyền pháp luật về phòng chống dịch đã được đẩy mạnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng chống dịch và thậm chí là nguyên nhân dẫn đến bùng phát các ổ dịch lớn. Vậy theo ông giải pháp nào để người dân tuân thủ pháp luật về phòng chống dịch một cách nghiêm túc?
Trả lời:
Để người dân tuân thủ pháp luật về phòng chống dịch một cách nghiêm túc thì lực lượng chức năng cần phải nghiêm ngặt và quyết liệt hơn nữa trong khâu quản lý, phát hiện hành vi vi phạm. Một người có hành vi vi pháp luật nhiều khi không phải là do mức xử phạt không đủ răn đe mà bản thân họ luôn có tâm lý rằng mình có vi phạm thì cũng không bị phát hiện. Do đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt trong các tổ dân phố, các khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, cũng cần sự linh hoạt để bảo đảm các điều kiện thiết yếu cho người dân. Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần đổi mới hình thức tuyên truyền, truyền tải các thông điệp dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp cận và tăng cường phổ biến kiến thức về bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch cho người dân. Bên cạnh đó, chính bản thân mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng tránh dịch, tránh tụ tập ăn uống, tổ chức liên hoan, sinh hoạt tập thể, đồng thời chủ động phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những trường hợp vi phạm. Đó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch Covid.