Cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông?

0
492

Luật sư SBLAW trả lời phỏng vấn báo Autorcar về vấn đề Cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông?

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Tình huống: Khoảng 22h30, một chiếc xe máy đang lưu thông bình thường trên đường thì bị hai đồng chí cảnh sát cơ động ngồi trên chiếc xe máy khác chạy áp sát và ra tín hiệu dừng xe lại. Sau khi kiểm tra đẩy đủ giấy tờ xe thì ra quyết định xử phạt chiếc xe máy kia với lỗi không có gương chiếu hậu bên trái? Người lái xe máy kia nói rằng lực lượng cảnh sát cơ động không được quyền xử phạt những lỗi như thế này. Hỏi pháp luật xử lý như thế nào trong trương hợp này. Lực lượng cảnh sát cơ động có được phép tự ý dừng xe người tham gia giao thông hay không? Họ có quyền xử phạt những lỗi vi phạm nào không?

Luật sư trả lời: Với tình huống giao thông mà Anh gửi tới SB Law, chúng tôi hiểu rằng:

1.Trong trường hợp nêu trên, cảnh sát cơ động không có quyền dừng xe máy để kiểm tra vì lý do sau:

Theo quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA thì Cảnh sát cơ động chỉ được dừng phương tiện đang tham gia giao thông trong các trường hợp:
•     Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
•     Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
•     Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;
•     Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
•     Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy là khi người tham gia giao thông bình thường, không thuộc các đối tượng nêu trên thì cảnh sát cơ động không có quyền dừng xe để kiểm tra.

2. Về thẩm quyền xử phạt của cảnh sát cơ động.
Theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử lý các lỗi quy định tại Khoản 4 Điều 68 của Nghị định này. Một số lỗi thường gặp như:
•     Vi phạm về quy định dừng đỗ xe
•     Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian quy định.
•     Đi vào đường cấm, đường ngược chiều
•     Điều khiển xe với nồng độ cồn vượt quá mức quy định
•     Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ
•     Không đội mũ bảo hiểm và/hoặc chở người không đội mũ bảo hiểm
•     Vượt đèn đỏ và vi phạm các quy định về đèn tín hiệu
•     Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe
•     Lạng lách hoặc đánh võng
•    Điều khiển xe chở quá người quy định
Như vậy là với lỗi không có gương chiếu hậu bên trái thì cảnh sát cơ động không có thẩm quyền xử phạt.

Trong trường hợp Cảnh sát cơ động không được quyền xử lý vi phạm thì theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ thì trường hợp vụ, việc vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt (hình thức xử phạt, xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả) thì phải chuyển vụ, việc vi phạm đến người có thẩm quyền để xử phạt.