Lưu ý khi sử dụng mạng xã hội nhằm phát triển phong trào, lan tỏa thông điệp.

0
259

Nhận lời mời của Ban biên tập VTV6 Đài Truyền Hình Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn phóng viên Ngọc Linh về những lưu ý khi sử dụng mạng xã hội nhằm phát triển phong trào, lan tòa thông điệp.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Phóng viên: Trong thời gian gần đây, khi xảy ra bất cứ 1 vấn đề nóng nào trong xã hội, người trẻ lại có xu hướng chọn cộng đồng mạng là nơi lan tỏa thông điệp, bày tỏ chính kiến, kêu gọi cộng đồng hưởng ứng phong trào, như vậy đâu là giới hạn cho việc vi phạm pháp luật?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Khi có một vấn đề nóng trong xã hội, người trẻ có xu hướng chọn cộng đồng mạng là nơi lan tỏa thông điệp, bày tỏ chính kiến và kêu gọi cộng đồng hưởng ứng phong trào, điều này là một hiện tượng xã hội tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin và đặc biệt là mạng xã hội đang chiếm lĩnh truyền thông.

Mạng xã hội với những ưu thế mạnh như sức lan tỏa nhanh, thông tin theo thời gian thực, phản hồi tức thì, cơ chế hậu kiểm thông tin và có thể lôi kéo nhiều người vẫn sẽ tiếp tục là xu thế truyền thông mạnh trong một thời gian nữa.

Dưới góc độ pháp lý, quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến về một vấn đề xã hội thông qua các hình thức truyền thông như  internet và mạng xã hội là những quyền cơ bản của người dân và được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, việc vi phạm pháp luật khi giới trẻ tiến hành những phong trào trên mạng Internet này cũng rất thường xuyên diễn ra.

Quyền tự  do thông tin, tự  do ngôn luận cần tuân thủ các quy định của pháp luật, không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của cộng đồng và của nhà nước.

Khi giới trẻ tiến hành bày tỏ ý kiến của mình về một sự việc, về một vấn đề, về một con người nào đó trong xã hội nhưng lại dựa trên những thông tin sai lệch, suy diễn hoặc lộ bí mật đời tư và đứng đằng sau là một chiến dịch có động cơ xấu thì rõ ràng hành vi đó là hành vi vi phạm pháp luật và cần có sự ngăn chặn.

Ví dụ, pháp luật hiện nay cũng có nguyên tắc bảo vệ quyền nhân thân, quyền bảo vệ bí mật thư tín, quyền bảo sự riêng tư và nhà nước cũng có pháp luật bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ bí mật nhà nước.

Nếu người vi phạm các quy định của pháp luật thì còn phải chịu các chế tài về hình sự, hành chính và dân sự.

Về chế tài hình sự, trong Bộ luật hình sự hiện nay, Điều 258 có quy định:

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:

  1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Nếu một cá nhận lợi dụng quyền tự do dân chủ đề vi phạm pháp luật thì có thể bị khởi tố về mặt hình sự như trên và chế tài nặng nhất là 7 năm tù.

Chế tài hành chính: Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (có hiệu lực từ 15/01/2014) đã quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (điểm g khoản 3 Điều 66).

Về việc bồi thường thiệt hại và cải chính thông tin thì pháp luật cũng cho phép người bị thiệt hại về những hành vi sai phạm trên mạng Internet có quyền khởi kiện vụ án dân sự nhằm buộc cải chính thông tin, bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín bị xâm hại.

Ngoài ra, nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, luật cũng cho phép doanh nghiệp được tiến hành khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

lưu ý khi sử dụng mạng xã hội

Phóng viên: Với những bạn trẻ thường sử dụng cộng đồng mạng là nơi phát triển phong trào, lan tỏa thông điệp về các vấn đề xã hội thì cần có những lưu ý gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Khi sử dụng mạng xã hội và Internet, những bạn trẻ cân lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất: Cần tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Thứ hai: Luật quy định người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.

Thứ ba: Cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ những chương trình, dự án mà mình truyền thông, kêu gọi, nếu có những nội dung vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của nhà nước, của công dân thì cương quyết không tham gia.

Thứ tư: Cần tránh việc đưa ra những bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, là công cụ cho những âm mưu, những hành động lừa đảo trên mạng xã hội, hãy là những người sử dụng Internet có trách nhiệm.